Phát triển ngành công nghiệp vi cơ điện tử
Thứ năm, 24/09/2020 10:37 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2017 - 2020, ngành công nghiệp vi cơ điện tử (MEMS) của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành quả tích cực với việc triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu thiết thực.
Ngày 23/9, Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP Labs) đã tổng kết Chương trình phát triển ngành Công nghiệp MEMS (vi cơ điện tử) giai đoạn 2017 – 2020.
Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2017-2020, ngành công nghiệp MEMS của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành quả tích cực. Điển hình là Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ MEMS trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng xây dựng các module đo mực nước”, đã hoàn thiện công nghệ chế tạo cảm biến áp suất, khảo sát và đưa ra lựa chọn thích hợp cho các quy trình công nghệ chế tạo. Dự án chế tạo thành công 100 cảm biến áp suất, ứng dụng vào việc xây dựng hệ thống cảnh báo ngập tại 15 trạm ngập của Thành phố.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: support.gov.vn). |
SHTP Labs cũng triển khai các đề tài Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị IoT Gateway tích hợp giải pháp bảo mật trên nền tảng IoT ứng dụng thí điểm quan trắc chất lượng không khí tại Khu Công nghệ cao; Dự án “Nghiên cứu mô phỏng, thiết kế và chế tạo thử nghiệm cấu trúc MEMS StrainGauge” hướng tới ứng dụng thử nghiệm trong hệ thống quan trắc sức khỏe cầu đường, đã chế tạo và đóng gói được 20 cảm biến MEMS StrainGauge... Chương trình đã đào tạo được 73 học viên về công nghệ đóng gói linh kiện MEMS; chuyển giao một số quy trình chế tạo linh kiện MEMS tại phòng sạch; công nghệ polymer MEMS...
Dịp này, SHTP Labs cũng đã tham vấn, lấy ý kiến chuyên gia để xây dựng dự thảo Chương trình phát triển MEMS giai đoạn 2020 - 2025 của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng đưa những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn ở các lĩnh vực như cảnh báo thiên tai, y sinh, cầu đường, nông nghiệp...; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ hợp tác để tìm kiếm, kết nối với các chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030”, Thành phố phấn đấu đến năm 2020, phát triển công nghiệp vi mạch điện tử Thành phố trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh, góp phần triển khai thành công các chương trình đột phá của Thành phố… Đến năm 2030, Thành phố nghiên cứu và xác định hình thức đầu tư hiệu quả, tiến tới xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất vi mạch do Thành phố quản lý; tiếp tục phát triển công nghiệp vi mạch điện tử Thành phố trở thành một ngành kinh tế có độ tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng tạo sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa 4.0, tăng tính chủ động cung cấp thiết bị và giải pháp trong việc xây dựng đô thị thông minh…
|
Đông Hưng (tổng hợp)