Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất thủy sản

Thứ sáu, 20/08/2021 11:18
(ĐCSVN) - Đây là mục tiêu quan trọng được đề ra trong Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo đó, việc thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất thủy sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể như: Xác định được nhu cầu đổi mới công nghệ và sáng tạo trong sản xuất thủy sản để xây dựng các chương trình KH&CN phục vụ thực tế sản xuất. Hàng năm, công nhận được tối thiểu 04 tiến bộ kỹ thuật; chuyển giao được tối thiểu 04 tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản; tối thiểu 200 cơ sở sản xuất thủy sản được phổ biến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hiệu quả kinh tế tăng >25% so với mô hình sản xuất truyền thống. Tổ chức từ 3 - 4 diễn đàn mỗi năm để phổ biến, giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản, nuôi trồng thủy sản cho ít nhất 400 cơ sở ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức được ít nhất 02 hội chợ thiết bị và công nghệ thủy sản (02 năm/lần) để giới thiệu, trưng bày, triển lãm các thiết bị, công nghệ, sản phẩm tiến tiến có thể thương mại hóa và ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất thủy sản ở Việt Nam. Xây dựng được hệ thống thông tin KH&CN thủy sản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu quản lý, cập nhật, trao đổi thông tin trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thủy sản; phát triển thị trường KH&CN thủy sản trực tuyến.

 Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao ở xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, Kiên Giang. (Ảnh: TTXVN)

Các nội dung công việc cụ thể được nêu trong Kế hoạch gồm: Gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tế sản xuất. Trong đó, tổng hợp và đánh giá nhu cầu đổi mới, chuyển giao KH&CN và các khó khăn, vướng mắc trong thực tế sản xuất của ngành thủy sản; đề xuất các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, dự án khuyến nông phù hợp và giải quyết các vấn đề khó khăn cụ thể của thực tế sản xuất; rà soát và đề xuất một số cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển sản xuất thủy sản.

Đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản. Rà soát, đánh giá việc ứng dụng, triển khai các tiến bộ kỹ thuật thủy sản đã được công nhận để loại bỏ, gia hạn thời hạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã công nhận. Đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật mới để phổ biến, giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Xây dựng hệ thống thông tin, phát triển thị trường KH&CN. Cụ thể, xây dựng phần mềm tích hợp quản lý và giao dịch điện tử các kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản; phổ biến hồ sơ, thủ tục công nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; cập nhật thông tin khoa học công nghệ: kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN, danh mục tiến bộ kỹ thuật, thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất thủy sản trong nước và quốc tế.

Định kỳ tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm để các bên liên quan trao đổi, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, sản phẩm mới trong sản xuất thủy sản. Xuất bản một số ấn phẩm KH&CN để phổ biến các kết quả nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới và các tiến bộ kỹ thuật được công nhận để các bên liên quan thực hiện chuyển giao, áp dụng.

Để triển khai thực hiện các mục tiêu và nội dung đề ra, Kế hoạch nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao KH&CN thủy sản; Rà soát, đánh giá, công nhận tiến bộ kỹ thuật để phổ biến, ứng dụng, chuyển giao vào thực tế sản xuất thủy sản; Xây dựng hệ thống thông tin KH&CN phục vụ gắn kết nghiên cứu và chuyển giao và phát triển thị trường KH&CN./.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu… Đến năm 2045, ngành thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; bảo đảm an sinh xã hội, làng cá xanh, sạch, đẹp, văn minh; lao động thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức bình quân chung cả nước.
Khanh Vũ
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực