Ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng trong công tác cải cách hành chính

Thứ ba, 05/07/2022 10:13
(ĐCSVN) - Ứng dụng công nghệ để từng bước hoàn thiện và nâng dần chất lượng trong công tác cải cách hành chính, tạo sự hài lòng cho người dân cũng như giúp môi trường đầu tư từng bước được cải thiện, tăng sức cạnh tranh là cách làm đột phá của nhiều địa phương trong thời gian qua.

Huyện miền núi Bắc Trà My ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng cải cách hành chính ở

Tại huyện miền núi Bắc Trà My (Quảng Nam), hiện hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet đã phủ sóng tới 97% thôn, tổ dân cư trên địa bàn huyện. Huyện Bắc Trà My xác định, công tác cải cách hành chính là khâu quan trọng trong việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ thủ tục cho người dân. Do vậy, nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính ở Bắc Trà My đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi xếp thứ nhất năm 2021 về lĩnh vực thông tin truyền thông trong cụm thi đua 9 huyện miền núi. Đây cũng là địa phương thứ 2, đồng thời là huyện miền núi đầu tiên của Quảng Nam đưa Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) vào hoạt động. Thông qua nền tảng công nghệ số, IOC huyện Bắc Trà My sẽ là nơi thu thập, tổng hợp thông tin của huyện trên tất cả lĩnh vực, giúp lãnh đạo huyện chỉ đạo, điều hành hoạt động.

Tất cả Bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã ở Bắc Trà My đều được đầu tư, nâng cấp để nâng cao chất lượng phục vụ. Ảnh: PHAN VINH 

Tại nhiều xã ở huyện Bắc Trà My cũng đã thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ để từng bước hoàn thiện, nâng dần chất lượng trong công tác cải cách hành chính với mục tiêu là tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đảm bảo đúng quy định và thuận lợi cho người dân. Thành lập Bộ phận "một cửa" để tiếp nhận, giải quyết dứt điểm tất cả các lĩnh vực, yêu cầu của người dân trong quyền hạn của mình. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền, xã hướng dẫn người dân lên tuyến trên thực hiện cho thuận tiện, không để bà con đi lại nhiều lần gây phiền hà, tốn kém.

Năm 2022, huyện tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng trong đó chủ yếu là Trung tâm Điều hành IOC, Bắc Trà My Smart, hệ thống camera an ninh nhằm từng bước giúp huyện quản lý đồng bộ tất cả các lĩnh vực an ninh, kinh tế - xã hội, quốc phòng, công tác quản lý bảo vệ rừng, từng bước làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn huyện.

Ứng dụng công nghệ để từng bước hoàn thiện và nâng dần chất lượng trong công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả. Đến nay, cơ quan hành chính các cấp ở huyện miền núi Bắc Trà My đã theo dõi được toàn bộ quá trình giải quyết hơn 14.600 bộ hồ sơ điện tử cho người dân, doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả trên lĩnh vực này, huyện Bắc Trà My đang thực hiện bộ thủ tục gồm 70 nội dung, đầu việc, thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan chức năng đối với tổ chức, cá nhân; thể hiện bước tiến trong ứng dụng công nghệ ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Nam.

Ninh Thuận tăng cường khai thác và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Từ tháng 5/2022, tỉnh Ninh Thuận triển khai thí điểm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, dễ thực hiện; qua đó có cơ sở triển khai chính thức, góp phần giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả thủ tục hành chính.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: Báo Ninh Thuận. 

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến chưa cao. Do đó, để tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến. Đây là dịch vụ đem lại lợi ích thiết thực nhằm giảm thời gian, chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh.

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương thực hiện quét (scan), lưu trữ, cập nhật tất cả các hồ sơ tiếp nhận trực tiếp tại Bộ phận một cửa của đơn vị để đảm bảo số lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử đồng nhất với thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời thực hiện nghiêm túc quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông trên môi trường mạng, đảm bảo tròn quy trình, theo đúng quy định hiện hành đã được kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành và chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất cắt giảm các thủ tục hành chính có từ 3 năm trở lên không phát sinh hồ sơ; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định về thành phần hồ sơ để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; phấn đấu đạt tỷ lệ từ 50% trở lên đối với hồ sơ cấp tỉnh trong năm 2022. Đồng thời, các sở, ngành và chính quyền các địa phương lựa chọn, triển khai thí điểm việc chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, dễ thực hiện; kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Để sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành có liên quan theo dõi, khai thác, sử dụng hiệu quả Hệ thống Tổng đài tự động nhằm giải đáp ý kiến phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thời gian triển khai thí điểm. Sau đó, có đánh giá, đề xuất với tỉnh xem xét, quyết định việc triển khai chính thức. Tỉnh cũng đang nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến phù hợp với yêu cầu kết nối chia sẻ dữ liệu và đáp ứng đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính chạy trên các nền tảng di động; tích hợp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh đủ điều kiện với Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; trước mắt tập trung kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm và cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, giảm giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Ngoài ra, Ninh Thuận cũng sẽ kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Qua đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm theo quy định nếu còn xảy ra tình trạng không làm tròn quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, số lượng hồ sơ tiếp nhận thực tế cao hơn số lượng hồ sơ trên hệ thống, làm ảnh hưởng tới kết quả thực hiện cải cách hành chính.

Nghệ An đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước

Nghệ An đang thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh nhằm tạo thuận lợi nhất, giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh Nghệ An. Nguồn ảnh: baophapluat.vn 

Giải pháp được địa phương này đề ra là nâng cao chất lượng phục vụ trong giải quyết các thủ tục hành chính theo hướng không theo địa giới hành chính, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện những nội dung bất cập, vướng mắc, chồng chéo, không phù hợp đang gây khó khăn, cản trở của thủ tục hành chính trong quá trình giải quyết công việc. Từ đó, tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp Sở Tư pháp thực hiện việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp.

Cùng với đó, Nghệ An tập trung giải quyết một số tồn tại, hạn chế: Việc tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến chưa hiệu quả; một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ; số lượng hồ sơ nộp và xử lý trực tuyến qua dịch vụ công chưa cao. Người dân, doanh nghiệp thiếu thông tin trong việc nắm bắt quy trình xử lý hồ sơ, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Một số đơn vị, địa phương thiếu công khai, minh bạch các quy định liên quan đến giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2022, Nghệ An đã lựa chọn chủ đề "Tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước". Phù hợp với chủ đề trên, tỉnh chú trọng đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; quan tâm ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành trong quản lý, xử lý công việc. Tỉnh xây dựng hệ thống nền tảng kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu; tích hợp trục liên thông văn bản, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với một số hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương; từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, nền kinh tố số và xã hội số.

Thông qua nhiều giải pháp, đến nay, Nghệ An đã duy trì hoạt động ổn định Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ. Cấp tỉnh có 21 sở, ngành và cấp huyện có 21/21 huyện, thành phố, thị xã cung cấp được dịch vụ công trực tuyến. Toàn tỉnh đã có 21 sở, ban, ngành và 100% huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành trong tỉnh đã cấp được chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ, kết nối, tích hợp chữ ký số với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh./.

Trúc Hương (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực