Ứng dụng khoa học địa chất trong phòng, chống thiên tai
Thứ ba, 12/10/2021 14:35 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Thời gian qua, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong việc ứng dụng khoa học địa chất trong phòng, chống thiên tai, giúp giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cụ thể, Viện đã tổ chức Hội nghị chuyển giao kết quả Đề án Chính phủ "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất, đá các vùng miền núi Việt Nam" cho đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 11 tỉnh (Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái). Mục tiêu tổng thể của đề án là xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp dân cư đảm bảo ổn định, bền vững; nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
|
Cán bộ nghiên cứu của Phòng Kiến tạo và Địa mạo đang khảo sát trượt lở ngoài hiện trường. Nguồn ảnh: Báo Tài nguyên môi trường |
Đáng chú ý, Công trình "Nghiên cứu phát triển và ứng dụng tổ hợp công nghệ viễn thám, WebGIS, mô hình không gian GIS phục vụ công tác điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam" năm 2020 đã được xét tặng giải B Giải thưởng Khoa học và Công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường lần thứ nhất. Công trình đã sáng tạo ra một giải pháp kỹ thuật mới bằng việc đề xuất một quy trình nghiên cứu tai biến địa chất và đánh giá rủi ro cho các khu vực miền núi. Quy trình này được thực hiện trên cơ sở áp dụng linh hoạt một tổ hợp các phương pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam, từ đó có thể mở rộng áp dụng cho nhiều khu vực điều tra.
Đầu năm 2021, Viện cũng đã hoàn thành Hồ sơ xây dựng trình Bộ phê duyệt Đề án "Điều tra khảo sát, xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp chống sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; tham gia xây dựng Đề án "Cảnh báo sớm trượt lở, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam"; hoàn thiện các báo cáo tổng quan tài liệu về các đề tài, đề án điều tra nghiên cứu về trượt lở và cảnh báo trượt lở. Đồng thời, cử nhiều đoàn cán bộ tới nghiên cứu, khảo sát các hiện tượng tai biến địa chất, giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống./.
Ngân Anh