Ứng dụng khoa học trong quan trắc, cảnh báo, xử lý ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản

Thứ năm, 30/06/2022 19:01
(ĐCSVN) - Những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong quan trắc, cảnh báo, xử lý ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản và kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản, bước đầu mang lại hiệu quả.
leftcenterrightdel
 Quan trắc môi trường nước

Cụ thể, trong quan trắc, cảnh báo, xử lý ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản, ngành chức năng căn cứ theo lịch thủy triều, mỗi năm thực hiện 24-27 đợt quan trắc môi trường tại 20 điểm đầu nguồn cấp nước phục vụ các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm trên địa bàn tỉnh và tại 9 điểm của 3 vùng nuôi cá lồng bè trên biển, tập trung ở các xã Hòn Nghệ (Kiên Lương), Nam Du (Kiên Hải) và Tiên Hải (thành phố Hà Tiên). Từ đó kịp thời thông báo nhanh kết quả quan trắc đến cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản các cấp, hệ thống Tổ Kinh tế kỹ thuật cấp xã, doanh nghiệp và người nuôi tôm nhằm chủ động ứng phó, khuyến cáo biện pháp xử lý phù hợp để ngăn chặn khả năng gây thiệt hại tôm, cá nuôi, ảnh hưởng năng suất, chất lượng, phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững, hiệu quả.

Theo đó, Kiên Giang đã đầu tư, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, vận hành hệ thống trạm quan trắc tự động môi trường nước nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Hệ thống này gồm 7 trạm quan trắc với trang thiết bị tự động, hiện đại đặt tại các điểm cấp nước, vùng nuôi thủy sản trọng điểm thuộc các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Hải và thành phố Hà Tiên. Thông tin dữ liệu quan trắc chất lượng nước được cập nhật liên tục 5 phút/lần với 11-13 chỉ tiêu quan trắc/điểm. Kết quả quan trắc từ hệ thống đăng tải trên website ngành nông nghiệp, trên app nên các tổ chức, cá nhân có thể truy cập trực tiếp từ các thiết bị di động như máy tính xách tay, điện thoại thông minh… Qua đó, giúp doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản chủ động sản xuất phù hợp, nhất là xử lý môi trường nước nuôi tôm, cá đúng kỹ thuật, đạt chất lượng “nước sạch”; đồng thời cảnh báo, kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất do ô nhiễm và các yếu tố bất lợi tác động môi trường./.

 

 

 

 

 

Quế Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực