Vĩnh Long: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch

Chủ nhật, 02/10/2022 11:01
(ĐCSVN) - Ứng dụng chuyển đổi số sẽ là cầu nối đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tạo đà phát triển kinh tế số tại địa phương.

Hội thảo giới thiệu giải pháp công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch của tỉnh Vĩnh Long vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức  ngày 1/10.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Định Phong nhận định, Vĩnh Long là địa phương có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, nếu được xác định đúng hướng thì tiềm năng phát triển rất lớn. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh cần chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực cho Bảo tàng tỉnh thực hiện công tác chuyển đổi số theo định hướng và lộ trình cụ thể.

Đại biểu giới thiệu các mô hình ứng dụng công nghệ số vào việc
 giới thiệu các điểm đến di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: TTXVN)

Đồng chí Phạm Định Phong cho rằng, tỉnh Vĩnh Long cần xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phù hợp để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giáo dục, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa cấp tỉnh và quốc gia; nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng, ban quản lý di tích ở các địa phương đã bước đầu thành công, qua đó xây dựng những ứng dụng phù hợp giới thiệu nội dung, trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa tại địa phương thông qua hình thức trực tuyến. Song song đó, tỉnh và ngành văn hóa cần chỉ đạo kiên quyết công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức của Bảo tàng về công nghệ số và việc ứng dụng công nghệ thông tin để có thể ứng dụng thành thạo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, Vĩnh Long hiện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú. Tỉnh có hai di sản phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn và làng nghề làm Tàu hũ ky, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh; có 66 di tích được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá. Đặc biệt, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đang lưu giữ trên 27.000 tư liệu ảnh, hiện vật, có một hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia… Chính vì vậy, việc thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo tàng và các di tích là một xu thế tất yếu, lâu dài. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ là cầu nối đưa di sản đang được trưng bày tại bảo tàng và các di tích trên địa bàn tỉnh đến gần với công chúng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, tạo đà phát triển kinh tế số tại địa phương.

Vĩnh Long hiện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú. 

Ông Phan Văn Giàu nhấn mạnh, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch là cần thiết và tất yếu, tuy nhiên việc triển khai phải từng bước, xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả. Với những thông tin, giải pháp được các đại biểu thảo luận, trao đổi tại hội thảo lần này, ngành sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện chuyển đổi số, nỗ lực phấn đấu đến năm 2025 đạt được một số thành tựu nhất định về chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu được giới thiệu tổng thể về các giải pháp công nghệ chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch; giới thiệu một số sản phẩm số hóa di sản văn hóa và du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; đồng thời trao đổi, giải đáp những thắc mắc về những khó khăn, giải pháp cần thiết phải triển khai để xây dựng lộ trình ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa và du lịch tại địa phương./.

Tú Minh (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực