10 sự kiện nổi bật của ngành năng lượng Việt Nam năm 2022

Chủ nhật, 08/01/2023 15:37
(ĐCSVN) - Ngày 8/1, Đại diện lãnh đạo Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết, đơn vị đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật trong năm 2022 của ngành năng lượng Việt Nam.
leftcenterrightdel

  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn thành chỉ tiêu khai thác dầu thô trước 2 tháng 11 ngày.

(Ảnh: PV)

 

1/ Việt Nam tuyên bố chính trị về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và đối tác.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ tuyên bố với cộng đồng quốc tế về định hướng Việt Nam sẽ tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050 tại COP26 tháng 11/2021, tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu [1], trong đó nêu lộ trình giảm phát thải carbon của Việt Nam đến năm 2030 và đạt net zero vào năm 2050. Cộng đồng quốc tế đã đánh giá rất cao trách nhiệm đóng góp của Việt Nam, nhất là việc Chính phủ đã luật hóa tuyên bố của mình.

Ngày 14/12, đại diện Việt Nam và các nước G7, cùng đối tác phát triển là Liên minh châu Âu, Na Uy, Đan Mạch đã thông qua tuyên bố chính trị thiết lập JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chương trình ban đầu sẽ huy động gói tài chính khí hậu khoảng 15,5 tỉ USD từ khu vực công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới, nhằm hỗ trợ một số mục tiêu tham vọng mới của Việt Nam, trong đó có mục tiêu giảm nhiệt điện than, đẩy nhanh triển khai nguồn năng lượng tái tạo và có thể giảm phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.

Tuy đây hầu hết là vốn vay ưu đãi, nhưng sẽ là yếu tố thuận lợi cho Việt Nam sắp tới thúc đẩy quá trình phát triển với lộ trình carbon thấp.

2/ Lần đầu tiên, sản lượng điện năng lượng tái tạo của Việt Nam vượt sản lượng nhiệt điện.

Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 đạt 268,4 tỷ kWh, trong đó sản lượng thủy điện tăng 20,8% so với năm 2021 do nước về hồ tốt và việc huy động phát điện phù hợp với quy chế điều hành liên hồ; các nhà máy điện gió, mặt trời đi vào hoạt động ổn định; giá than cao nên EVN điều hành giảm mua điện than. Nhờ đó, sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) đã vượt sản lượng nhiệt điện trong năm 2022.

Cụ thể, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đạt trên 129,8 tỷ kWh, bằng 1,24 lần so với sản lượng điện than và trên 96% so với tổng sản lượng điện than và điện khí. Sản lượng điện mặt trời và gió chiếm 12,8% tổng hệ thống.

Năm 2022 cũng ghi nhận lần đầu tiên điện năng do các nguồn phát điện ngoài EVN vượt 50% sản lượng toàn hệ thống. Nỗ lực đa dạng hóa đầu tư vào nguồn điện đã có bước tiến, các nhà máy điện ngoài EVN đã đóng góp hơn 53% sản lượng điện trong năm.

3/ Hoàn thành đóng điện đường dây truyền tải vượt biển dài nhất Đông Nam Á.

Đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc (đường dây vượt biển dài nhất Đông Nam Á) đã đóng điện kỹ thuật. Hiện dự án đã được bàn giao cho Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) quản lý vận hành. Đây là đường dây 220 kV vượt biển đầu tiên tại Việt Nam, gồm hai mạch, có tổng chiều dài 80 km với 169 vị trí cột, trong đó có 117 cột trên biển, khẳng định thêm năng lực kỹ thuật của ngành điện Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Khi đi vào hoạt động, đường dây góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và tin cậy cho nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

4/ Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) - Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Việt Nam được xác nhận mức độ chuyển đổi số và nhận giải thưởng doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022 (2022 AIBP ASEAN Enterprise Innovation Award Winners).

- Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được xác nhận mức độ chuyển đổi số:

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, EVNHCMC đã tiến hành đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp cho tất cả 24/24 đơn vị trực thuộc dựa trên 139 tiêu chí thuộc 6 trụ cột chuyển đổi số.

Ngoài ra, Tổng công ty còn có 3/24 đơn vị trực thuộc, bao gồm: Trung tâm Điều độ Hệ thống điện, Trung tâm Chăm sóc khách hàng và Công ty Công nghệ Thông tin đã được xác nhận đạt mức độ nâng cao về chuyển đổi số (mức 4/5).

Điều này thể hiện rõ các thế mạnh mũi nhọn của EVNHCMC trên các phương diện: Có lưới điện 100% tự động hóa, có chất lượng dịch vụ khách hàng xuất sắc và có hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục với chất lượng ngày càng cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh - đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành tựu này của EVNHCMC cũng đóng góp quan trọng vào việc EVN liên tiếp năm thứ tư được công nhận là Tập đoàn dẫn đầu về công tác chuyển đổi số.

- Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022:

Giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo Asean được Diễn đàn Kinh doanh IoT châu Á khởi xướng từ năm 2017, nhằm công nhận các tổ chức đã bắt tay vào các dự án chuyển đổi kỹ thuật số doanh nghiệp của họ thông qua việc áp dụng đổi mới công nghệ. Giải thưởng được tổ chức hàng năm tại các quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2022, tại lần thứ 6 tổ chức giải thưởng, có hơn 180 đề cử từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. 40 doanh nghiệp được vào vòng chung kết, chọn 10 doanh nghiệp chiến thắng chung cuộc. Trong danh sách 10 doanh nghiệp được trao giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022, Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Ngân hàng Techcombank và EVNHCMC.

5/ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cung cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước với giá ổn định (trong cả năm) dù giá than nhập khẩu và chi phí khai thác tăng lên.

Trước những khó khăn do tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, xung đột vũ trang giữa Nga - Ucraina, giá nhiên liệu tăng, thời tiết biến đổi, trong khi đó nhu cầu than tăng cao, lượng than dự trữ không nhiều, những thách thức do chi phí đầu vào sản xuất tăng, các dự án đầu tư khó khăn, thiếu nhân lực sản xuất hầm lò… song những người thợ mỏ đã vượt qua khó khăn, tiếp tục viết lên những trang sử hào hùng của TKV.

Trong điều kiện nhiều khó khăn, song kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2022 của Tập đoàn đạt kết quả tốt: Sản lượng than nguyên khai đạt 39,4 triệu tấn, than sạch thành phẩm đạt 42,2 triệu tấn, nhập khẩu than 4,75 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 46,5 triệu tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 43,4 triệu tấn và cấp cho sản xuất điện 35,02 triệu tấn). Tổng doanh thu đạt 165,9 ngàn tỷ đồng, (trong đó, doanh thu than đạt 101,6 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 8,1 ngàn tỷ đồng).

Doanh thu tổng số, cũng như doanh thu than nêu trên là con số lớn nhất từ trước đến nay, lợi nhuận tổng số và riêng của sản xuất, kinh doanh than lớn nhất từ khoảng 10 năm nay. Riêng sản lượng than khai thác và tiêu thụ là lớn nhất trong khoảng 5 năm gần đây.

Đặc biệt, TKV đã cấp than cho các hộ tiêu thụ trong nước với giá ổn định (trong cả năm) dù giá than nhập khẩu và chi phí khai thác tăng lên. Số than cung cấp cho thị trường có giá ổn định đã giúp giảm bớt lỗ cho EVN, giữ ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô của cả nước.

6/ Luật Dầu khí (sửa đổi) chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (ngày 14/11/2022) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung mang tính đột phá, quy định chi tiết, rõ ràng hơn trách nhiệm giữa quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành và vai trò của PVN.

Đặc biệt, Luật quy định rõ hơn về vai trò quản lý nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu), qua đó, nâng cấp vai trò chủ động của PVN đối với các hoạt động phê duyệt, thẩm định đầu tư, bao gồm các phê duyệt về mặt kỹ thuật và thương mại như: Chương trình thăm dò, chương trình khoan, kế hoạch phát triển mỏ (ODP/FDP), khái toán kinh tế, báo cáo đầu tư. Đây chính là tiền đề để PVN phát triển một loạt dự án trọng điểm quốc gia và mỏ tận thu ở ngoài khơi ngay khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 7/2023, làm đòn bẩy tăng trưởng cho toàn ngành.

7/ “Hồi sinh” các dự án trọng điểm về điện lực.

Sau nhiều năm chậm tiến độ các dự án điện trọng điểm theo Quy hoạch điện lực quốc gia, năm 2022 PVN đã nỗ lực đưa 2 dự án vào vận hành và tạo lối thoát để các dự án điện góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Nói cách khác, năm 2022 các dự án nguồn điện của PVN đã được “hồi sinh”, đáp ứng phần nào kỳ vọng của Chính phủ, tạo lòng tin không nhỏ để duy trì đội ngũ cán bộ nhân viên trong lĩnh vực điện lực và chứng tỏ năng lực vượt qua thử thách của tập thể lãnh đạo, cán bộ quản lý, người lao động PVN trong thời kỳ mới. Cụ thể:

Thứ nhất: Vận hành thương mại và khánh thành dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại (gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.200 MW), tổng thầu EPC là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA). Dự án được khởi công xây dựng tháng 5/2015, đã được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022. Nhà máy sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỷ kWh/năm.

Thứ hai: Phát điện tổ máy 1 và hòa lưới bằng dầu tổ máy 2, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Đối với dự án này, quá trình dừng thi công, chờ chỉ đạo của Chính phủ về xử lý một số sai phạm trong quản lý, dự án đã rơi vào tình trạng bế tắc và mất phương hướng, đòi hỏi cần có cơ chế, hành lang pháp lý cho dự án tiếp tục thực hiện để người lao động yên tâm, ổn định tâm lý phục vụ sản xuất.

Trong năm 2022, thành công lớn nhất của Nhiệt điện Thái Bình 2 là đốt dầu lần đầu tổ máy số 1 vào ngày 23/2/2022 và hòa đồng bộ bằng dầu tổ máy số 1 vào ngày 13/5/2022, hòa lưới điện bằng than tổ máy số 1 ngày 16/6. Đến ngày 16/11, tổ máy 1 đã thực hiện thành công tác nâng công suất chạy thử tối đa lên 602 MW (đạt và vượt so với công suất phát tối đa của tổ máy theo cam kết của Hợp đồng EPC là 600 MW). Đối với tổ máy 2, đã đạt mốc tiến độ đốt dầu lần đầu vào ngày 27/8 và đang tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, hiệu chỉnh để hướng đến mốc hòa điện bằng than lần đầu, dự kiến đầu năm 2023.

Thứ ba: Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đã có hướng ra.

Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200 MW, theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) sẽ vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Nhưng thực tế từ 2019 đã không xác định được tiến độ cụ thể do Tổng thầu Power Machines (PM - Nga) bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cấm vận từ năm 2018. Ngày 22/2/2019, PM tuyên bố chấm dứt hợp đồng EPC dự án này. Dự án bị ngừng trệ từ 2/2019 đến nay, với khối lượng hoàn thành tính đến tháng 3/2019 ước đạt 77,56%. Từ đó, các hoạt động trên công trường chỉ là công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư, thiết bị đã được vận chuyển về và đã lắp đặt vào vị trí.

Sau quá trình đàm phán lại với PM không thành công, vì các phương án PM đề xuất để hai bên có thể tiếp tục, hoặc đồng thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng đều vượt quá thẩm quyền quyết định của PVN, đặc biệt là về việc tăng giá hợp đồng, miễn trừ trách nhiệm thu xếp vốn và giảm phạm vi công việc của PM. Dự án đã đi vào bế tắc, không xác định được phương hướng.

Nhưng vào cuối nay 2022, thông tin từ Ban quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 (thuộc PVN) cho biết: Đơn vị này đã hoàn thiện phương án tái triển khai dự án, trong đó xác định các mốc tiến độ các công việc, với mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2026. Ban sẽ lập cơ chế đặc thù để PVN trình Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc các gói thầu tư vấn phục vụ lựa chọn tổng thầu EPC mới. Chủ đầu tư dự án cũng đã phát hành văn bản mời các đơn vị trong nước và quốc tế quan tâm thực hiện gói thầu EPC (phần còn lại), cũng như mời các nhà thầu có năng lực tham gia hội thảo tìm hiểu phương án tái triển khai dự án này. Hiện đã có 3 nhà thầu quan tâm đến dự án.

Như vậy, đến nay dù còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng dự án Nhiệt điện Long Phú 1 đã le lói có hướng ra, với mốc hoàn thành dự án được xác định vào năm 2026.

8/ Đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ tổ hợp giàn RC-10, giàn RC-RB1 mỏ Rồng và giàn khai thác Cá Tầm 2 đón dòng dầu đầu tiên.

Vào lúc 8h sáng ngày 28/10/2022, tập thể người lao động Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vui mừng chào đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ giàn RC-10 mỏ Rồng, với tổng lưu lượng dầu ban đầu thu được 350 tấn/ngày đêm.

Việc nhận dòng dầu thương mại đầu tiên từ tổ hợp giàn RC-10 và giàn RC-RB1 mỏ Rồng sớm hơn 18 ngày so với kế hoạch đã góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu của Vietsovpetro trong năm 2022. Ngoài ra, thành công của tổ hợp dự án một lần nữa chứng minh năng lực EPCI của Vietsovpetro trong công tác xây dựng và lắp đặt các giàn khai thác dầu khí ngoài khơi, khẳng định định hướng đúng đắn của hai phía tham gia (PVN, Zarubezhneft) và ban lãnh đạo Vietsovpetro về việc tăng cường phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên trong giai đoạn tận thăm dò Lô 09-1 với mục đích duy trì sản lượng khai thác dầu khí trong các năm tiếp theo.

Cùng thời gian trên, vào lúc 8h ngày 28/10/2022, giàn khai thác Cá Tầm 2 (CTC-2) thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12 đã về đích sớm hơn mục tiêu 47 ngày và chính thức khai thác dòng dầu đầu tiên.

Giàn CTC-2 cùng các hạng mục kết nối nội mỏ được xây dựng tại mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12, cách Thành phố Vũng Tàu khoảng 160 km về phía Đông Nam. Đây là loại giàn đầu giếng cỡ nhỏ do Vietsovpetro tự thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt, đấu nối và chạy thử. Giàn CTC-2 được xây dựng để khai thác dầu và khí, có tổng khối lượng xây lắp khoảng 2.380 tấn. Công trình CTC-2 đã hoàn thành và đưa vào khai thác tiếp tục khẳng định sức mạnh nội lực, sự tự chủ nhân lực, công nghệ của Vietsovpetro trong việc thiết kế, thi công chế tạo, lắp đặt các công trình biển.

9/ Phê duyệt kế hoạch phát triển cụm mỏ Kình Ngư Trắng, Kình Ngư Trắng Nam và mở rộng cụm mỏ Bạch Hổ.

Theo thiết kế, sản lượng ở cụm mỏ Kình Ngư Trắng và Kình Ngư Trắng Nam ước đạt khoảng từ 12.000 đến 15.000 thùng dầu/ngày, trong giai đoạn đầu của vòng đời dự án. Trong bối cảnh sản lượng các cụm mỏ hiện hữu sụt giảm nghiêm trọng, các phê duyệt này không chỉ giúp PVN gia tăng sản lượng khi đi vào khai thác thương mại vào đầu năm 2025, mà còn làm tiền đề để gia tăng các đề án tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực lân cận. Đó là chiến lược của PVN và đối tác Nga, nhằm phục hồi, duy trì, gia tăng sản lượng dầu khí, cũng như góp phần bảo đảm an ninh lãnh hải thông qua các hợp tác dầu khí ở liên khu các bể dầu khí Cửu Long và Nam Côn Sơn.

10/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn thành chỉ tiêu khai thác dầu thô trước 2 tháng 11 ngày.

Khai thác dầu thô của PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày (đạt 8,74 triệu tấn vào ngày 20/10). Năm 2022 đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tương đương với mức thực hiện năm 2021. Đồng thời sản phẩm lọc dầu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt 5,97 triệu tấn, bằng 88% kế hoạch năm và tăng 27% so với cùng kỳ 2021.

Với những nỗ lực trong sản xuất, điều hành kinh doanh, trong 10 tháng đầu năm năm 2022, PVN đã hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 782 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 10 tháng đầu năm 2022 đạt 112,2 nghìn tỷ đồng, vượt 74% kế hoạch năm 2022, tương đương với thực hiện cả năm 2021 (112,5 nghìn tỷ đồng)./.

 

PV(T/H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực