Công nghệ Xanh - Chìa khóa phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt

Thứ tư, 18/12/2024 12:32
(ĐCSVN) - Tại Việt Nam, thúc đẩy ESG (Environmental, Social and Governance - Môi trường, Xã hội và Quản trị) không chỉ đến từ áp lực quốc tế mà còn từ các cam kết phát triển bền vững của Chính phủ, như mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

ESG ngày càng trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp toàn cầu. Theo Bloomberg, quy mô đầu tư ESG toàn cầu dự kiến đạt 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025, chiếm hơn 1/3 tổng tài sản quản lý.

Thực trạng ESG tại Việt Nam

Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng khi ESG dần trở thành yếu tố quyết định để duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo khảo sát của PwC, phần lớn doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò của ESG, với 80% cam kết hoặc dự định thực hiện các chương trình ESG trong vài năm tới. Điều này đặc biệt rõ rệt ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nơi các yêu cầu về ESG từ công ty mẹ được chuyển giao mạnh mẽ đến các chi nhánh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, triển khai ESG tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế do mới chỉ có một số ít doanh nghiệp thực sự thực hiện ESG một cách toàn diện, tập trung vào cả ba yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Còn phần lớn chỉ dừng lại ở những sáng kiến đơn lẻ, thiếu kết nối và không có chiến lược dài hạn. Đặc biệt, khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để tiếp cận ESG do thiếu kiến thức, nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, rất ít doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện báo cáo ESG với tính minh bạch cao, trong khi đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp họ thu hút vốn đầu tư và duy trì sự tin tưởng từ các bên liên quan.

Một nghiên cứu của Sustainalytics năm 2023 cho thấy, chỉ 30% doanh nghiệp Việt Nam có báo cáo ESG hoàn chỉnh. Trong khi đó, 70% không thực hiện báo cáo hoặc chỉ đưa ra các thông tin rời rạc, không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Đáng chú ý, chỉ 36% doanh nghiệp trải qua kiểm toán ESG độc lập, thấp hơn mức trung bình toàn cầu (58%).

Trồng rừng ngập mặn: Giải pháp tự nhiên hướng tới trung hòa carbon và nuôi tôm bền vững, phù hợp với các nguyên tắc ESG 

Những thách thức đối với ESG tại Việt Nam

Đầu tiên là vấn đề chi phí và nguồn lực: Áp dụng ESG không chỉ là một cam kết mà còn là một bài toán phức tạp đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tư vào ESG đòi hỏi doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực lớn để cải thiện quy trình hoạt động, triển khai công nghệ mới và đào tạo đội ngũ nhân sự.

Theo Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đối mặt với chi phí khởi động ESG cao, đặc biệt là các khoản đầu tư vào công nghệ, quy trình mới và đào tạo nhân sự. Với lợi nhuận mỏng, việc thực thi ESG thường bị xem như một gánh nặng thay vì cơ hội.

Tiếp đó là sự đa dạng tiêu chuẩn: Sự đa dạng của các tiêu chuẩn và chỉ số ESG như GHG Protocol, ISO 14064 hay phương pháp IPCC cũng khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc lựa chọn cách tiếp cận phù hợp. Thiếu sự hướng dẫn rõ ràng và thống nhất, họ dễ bị lạc lối giữa hàng loạt tiêu chuẩn và yêu cầu khác nhau từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Song hành với các vấn đề trên là thiếu công cụ và kiến thức: Báo cáo của PwC cho biết, 66% doanh nghiệp tại Việt Nam chưa tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh hoặc chỉ mới bắt đầu. Một phần nguyên nhân là do thiếu các công cụ hỗ trợ hiệu quả để quản lý và theo dõi dữ liệu ESG.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh, Nghiên cứu viên chính tại Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: "Các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ áp lực từ ESG, nhưng họ thường gặp khó khăn trong việc chuyển đổi từ ý tưởng sang hành động cụ thể. Công nghệ là yếu tố quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách này, đặc biệt trong việc quản lý dữ liệu và lập kế hoạch bền vững."

Công nghệ - Cơ hội đột phá cho ESG tại Việt Nam

Công nghệ được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp giải quyết những rào cản lớn trong việc thực thi ESG. Một khảo sát của McKinsey chỉ ra rằng, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào ESG có khả năng giảm 15-30% chi phí quản lý và báo cáo, đồng thời tăng cường hiệu quả thực thi các sáng kiến bền vững.

Ứng dụng công nghệ, IoT và AI cùng GreenSwift: Tiên phong giải pháp ESG vì một Việt Nam bền vững 

Trong bối cảnh đó, GreenSwift nổi lên như một nền tảng quản lý Carbon dựa trên AI toàn diện, được thiết kế để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện ESG một cách hiệu quả và dễ dàng. Nền tảng GreenSwift tập trung vào quản lý công nghệ thông tin bền vững, cung cấp xác minh dấu chân carbon, quản lý carbon, cũng như thu thập, tính toán, phân tích và xác minh dữ liệu để quản lý dữ liệu ESG.

GreenSwift tập trung vào việc tối ưu hóa quy trình quản lý ESG thông qua: (i): Tự động hóa quy trình thu thập và phân tích dữ liệu: Giúp doanh nghiệp theo dõi lượng khí thải, tiêu thụ năng lượng và các chỉ số môi trường khác theo thời gian thực. (ii) Báo cáo minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế: Hỗ trợ tạo báo cáo chi tiết, tuân thủ các chuẩn mực như GHG Protocol hoặc ISO 14064-1, với kế hoạch đạt chứng nhận ISO 14067 và ISO 14068 để hỗ trợ quản lý carbon cấp nhóm hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng không (net-zero). (iii) Lập kế hoạch và phân tích tác động: Cung cấp tính năng phân tách nhiệm vụ, thông báo chủ động, phân tích dữ liệu, bảng điều khiển và lập kế hoạch giảm carbon tùy chỉnh, giúp đảm bảo sự hợp tác xuyên phòng, ban một cách liền mạch trong việc thu thập và quản lý dữ liệu hiệu quả.

Bằng cách giảm phát thải carbon và cải thiện quy trình quản lý, GreenSwift không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường uy tín trong mắt khách hàng và nhà đầu tư mà còn đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Công nghệ quản lý carbon dựa trên AI là công cụ mạnh mẽ để doanh nghiệp chuyển hóa thách thức ESG thành cơ hội phát triển dài hạn. GreenSwift không chỉ là một giải pháp, mà là cầu nối đưa dữ liệu thành hành động, giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin tiến vào tương lai bền vững.

Tương lai của ESG tại Việt Nam

Trong tương lai gần, ESG sẽ không còn là lựa chọn mà trở thành tiêu chuẩn bắt buộc cho mọi doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ cũng ngày càng yêu cầu khắt khe về ESG, đặc biệt với các sản phẩm nông nghiệp, may mặc và điện tử. Điều này sẽ tạo ra những áp lực lớn hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Để đạt được các mục tiêu này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ như giảm thuế hoặc cung cấp tài chính xanh cho các doanh nghiệp áp dụng ESG. Các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò cầu nối, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nguồn vốn và thị trường xanh.

Về phía doanh nghiệp, việc sớm tiếp cận và tích hợp ESG không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn tạo ra cơ hội phát triển bền vững trong dài hạn. Sự hỗ trợ từ các giải pháp công nghệ như GreenSwift sẽ là chìa khóa quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức và tối ưu hóa chiến lược ESG một cách hiệu quả.

ESG không chỉ là xu hướng mà đã trở thành tiêu chuẩn sống còn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Dù còn nhiều thách thức, các giải pháp khoa học và  công nghệ như GreenSwift mang lại cơ hội đột phá, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Việc áp dụng ESG không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn đóng góp tích cực vào các mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Với sự hỗ trợ từ các công cụ tiên tiến như GreenSwift, doanh nghiệp Việt Nam sẽ sẵn sàng vươn xa trên bản đồ kinh tế xanh toàn cầu./.

TS. Nguyễn Kim Anh, Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Đỗ Vương Phong, TPIsoftware Việt Nam
TS. Lý Thị Thu, Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực