GS. Võ Tòng Xuân: "Cha đẻ" của nhiều giống lúa ngon

Thứ hai, 25/12/2023 11:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh GS. Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) và GS. Võ Tòng Xuân (người Việt Nam) vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có nhà khoa học được trao giải thưởng VinFuture.
GS. Võ Tòng Xuân (thứ 3 từ trái sang phải) nhận Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Ảnh: TL
Tối 20/12, Lễ trao Giải thưởng VinFuture 2023 đã được tổ chức tại Hà Nội. Sau lễ công bố giải thưởng, các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2023 đã buổi giao lưu truyền cảm hứng đặc biệt tới công chúng tại Đại học VinUni và chia sẻ với báo chí về những thành công này.

GS Võ Tòng Xuân cùng người đồng nghiệp – GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) là hai nhà khoa học được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.Hai ông được vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

GS Gurdev Singh Khush là người tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao như IR36, IR64. Trong đó, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ.

Tại Việt Nam, giống lúa IR36 được trồng phổ biến tại các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nỗ lực quan trọng của GS Võ Tòng Xuân. IR36, IR64 hiện là những giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á, giúp giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu.

Là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng VinFuture, GS.Võ Tòng Xuân tâm sự, ông yêu nghề nông từ nhỏ. Thấy cuộc đời người nông dân rất cực khổ do thiếu lương thực nên ông muốn học thật tốt để có thể làm được gì cho chính quê hương mình. Không chỉ tìm giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng sản lượng, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, mà còn lan tỏa thành công cho nhiều nước trên thế giới, góp phần củng cố an ninh lương thực.

"Hiện giờ, thế hệ lúa mới giúp Việt Nam có đủ chất lượng lúa gạo. Việt Nam đã có giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, ngon cơm và thơm nhưng đang tiến tới mức cao hơn để tăng năng suất bằng cách đưa loại gen trồng bông lúa lớn hơn. Các nhà lai giống lúa đang cố gắng tìm gene cho năng suất cao. Diện tích đất không nở ra, nên mình phải tìm giống cây lương thực có năng suất cao hơn trên mỗi diện tích đang có", GS Võ Tòng Xuân nói.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, mỗi nhà khoa học cần phải tìm hiểu các vấn đề khó khăn của xã hội mình, cùng với đó là hướng giải quyết. "Tôi hay nói với sinh viên của mình rằng không có gì bằng việc học, học thật chứ không học giả. Học thật rồi mới thấy rõ vấn đề, phân tích, mổ xẻ nó để thấy cái gì cần phải giải quyết. Nhờ khoa học, mình mới tìm ra hướng nghiên cứu, đặt ra giả thiết, từ đó tìm ra giải pháp. Sau đó, ứng dụng vào những nơi gặp khó khăn, để xem những giải pháp này có hiệu quả hay không.

Với trường hợp của tôi, tôi muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy mà nông dân nước mình tại sao lại nghèo thế. Cần làm sao để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó, tôi xác định mục tiêu để học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề", GS. Võ Tòng Xuân bày tỏ.

Hai vị giáo sư đều có chung mục đích là dành một phần số tiền thưởng trị giá 500.000 USD để góp phần phát triển tương lai của ngành khoa học lúa gạo, như phát triển những giống lúa mới, những giống lúa tiềm năng trong tương lai, phù hợp hơn với môi trường và biến đổi khí hậu; hỗ trợ cho chương trình đào tạo phát triển năng lực về nông nghiệp cũng như về khoa học lúa gạo.

Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng VinFuture, GS Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, GS Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại. Những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân trong suốt gần nửa thế kỷ qua ở Việt Nam cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

GS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại tỉnh An Giang. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, ông đã trở về Việt Nam làm việc tại Viện Đại học Cần Thơ. Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.

GS Võ Tòng Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không những trong nước mà còn cho quốc tế. Đặc biệt những năm 1980 - 1985, ông đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây. Không chỉ nổi tiếng trong nước, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại nhiều lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi.

Ông từng đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, hiệu trưởng Trường ĐH An Giang… và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Nhà giáo nhân dân. 

 

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực