Hà Tĩnh quyết liệt thực hiện chuyển đổi số

Thứ hai, 08/05/2023 18:14
(ĐCSVN) – Cùng với cả nước, Hà Tĩnh quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, trong đó, một số nội dung quan trọng đã được triển khai như: thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, ban hành quy chế hoạt động; triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh...

Tìm hiểu về việc triển khai chuyển đổi số tại địa phương, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: HNV)

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể của việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đối số trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 18/KH-BCĐ ngày 18/4/2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 09/3/2022 của UBND tỉnh cơ bản đã được phối hợp tổ chức thực hiện. Tính đến cuối 2022, 19/34 đầu việc đã hoàn thành, 12 đầu việc đã và đang tiếp tục thực hiện đến hết năm, còn 3 đầu việc chưa triển khai thực hiện. Khoảng 98% vùng dân cư đã phủ sóng di động 4G, cáp quang đến 100% xã; còn một số vùng dân cư chất lượng Internet di động 4G kém hoặc chưa có. Dự kiến năm 2023, thực hiện xóa 100% vùng “lõm” sóng. Tỷ lệ thuê bao di động đạt 94,3 thuê bao/100 dân; internet băng rộng cố định đạt khoảng 12,8 thuê bao/100 dân. Năm 2022, đã phát triển thêm mới 87 trạm thu phát sóng BTS. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đang được nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đang ngày càng tăng của các cơ quan nhà nước. Về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, 100% văn bản gửi nhận giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, 95% giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện (trừ các văn bản mật) được thực hiện qua môi trường mạng. 100% cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, ứng dụng đồng bộ chữ ký số. Thực hiện kinh tế số, xã hội số, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp các ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai ứng dụng hoá đơn điện tử; UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế; 100% các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn… Về đô thị thông minh, hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh tỉnh (IOC) đã được triển khai, gồm 7 phân hệ cơ sở dữ liệu.

Hiện, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục thực hiện kế hoạch về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 2.0; triển khai ứng dụng hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh, kết nối liên thông với nền tảng tích hợp và chia sẻ quốc gia; tuyên truyền về hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp…

Căn cứ Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2023 với mục tiêu tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh cũng đang từng bước xây dựng, phát triển chính quyền số trên phạm vi toàn tỉnh, thúc đẩy cải cách hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tới đây, các thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới.

Nhiều hoạt động chuyển đổi số tại TP Hà Tĩnh (Ảnh: UBND TP Hà Tĩnh) 

PV: Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đánh giá thế nào về những kết quả bước đầu của chuyển đổi số tại Hà Tĩnh và tỉnh có những quyết sách gì để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 về phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025” để tạo tiền đề cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Qua hơn 01 năm triển khai Nghị quyết 05 và Quyết định 424, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, cụ thể:

UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số.

Hạ tầng kỹ thuật và các hệ thống nền tảng được bảo đảm; các tuyến cáp quang, trạm thu phát sóng di động 2G, 3G, 4G được phát triển; vận hành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP).

Hệ thống các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được duy trì, bảo đảm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của các ngành, địa phương.

100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có Cổng/trang TTĐT. Điều hành, tác nghiệp trực tuyến được duy trì đồng bộ. Các hệ thống phần mềm chuyên ngành thường xuyên được triển khai.

Hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công được triển khai đồng bộ, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống Giám sát và Điều hành thông minh tỉnh Hà Tĩnh (IOC) được triển khai. Xây dựng đề cương nhiệm vụ Đề án thí điểm mô hình đô thị thông minh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tại UBND thành phố Hà Tĩnh và UBND thị xã Kỳ Anh.

Ngày hội chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được tổ chức với nhiều hoạt động có ý nghĩa. Tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh được triển khai đến tận cấp thôn/tổ dân phố.

 Chuyển đổi số ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

PV: Thưa đồng chí, với những hiệu quả trên, tỉnh sẽ có những quyết sách cụ thể tiếp theo như thế nào để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Trên cơ sở kết quả đạt được vừa qua, đồng thời tiếp tục quyết liệt triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi xác định, tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh và các Kế hoạch số về Chuyển đổi số của tỉnh.

Song song với đó là tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh: Vận hành có hiệu quả hệ thống LGSP, kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương vào hệ thống; triển khai Cổng dữ liệu và Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh...

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng một số chính sách về chuyển đổi số như: Chính sách cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng, chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, khai thác dịch vụ công trực tuyến;... rà soát, hoàn hiện các chiến lược, kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Ngoài ra, xây dựng Đề án thí điểm mô hình đô thị thông minh tại thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh, từng bước phát triển các nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh và trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp huyện.

PV: Xin cảm ơn đồng chí./.

Khánh Lan - Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực