Internet là hạ tầng thiết yếu, thành tố quan trọng của chuyển đổi số

Thứ tư, 07/12/2022 21:46
(ĐCSVN) - Sau 25 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức kết nối mạng toàn cầu (ngày 19/11/1997), Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống, xã hội Việt Nam, trở thành hạ tầng của nền kinh tế, nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là thành tố quan trọng của chuyển đổi số.

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Trung tâm Internet Việt Nam và Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “25 năm internet Việt Nam và Ngày Internet (Internet Day) 2022”.

Sau 25 năm kể từ ngày Việt Nam chính thức kết nối mạng toàn cầu (ngày 19/11/1997), Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống, xã hội Việt Nam, trở thành hạ tầng của nền kinh tế, nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là thành tố quan trọng của chuyển đổi số.

Chương trình “25 năm internet Việt Nam và Ngày Internet (Internet Day) 2022”. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Theo thống kê, vào thời điểm đó, số người sử dụng mạng Internet ở Việt Nam chỉ hơn 200.000 người, đến năm 2002 có khoảng 3 triệu người (khoảng 4% dân số cả nước thời điểm đó), năm 2007 là gần 20 triệu người, tăng thêm gần 7 lần (chiếm khoảng 24% dân số cả nước). Số liệu thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số).

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam khẳng định, trong 25 năm qua, internet đã mang đến cho Việt Nam những cơ hội và đổi mới to lớn. Rõ nét nhất là sự chuyển hóa của xã hội, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên internet, đem lại sự thay đổi thần tốc trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa…

Các doanh nghiệp internet Việt Nam đã thích ứng và không ngừng lớn mạnh, chuyển đổi mô hình kinh doanh. Internet đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, là hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, sau 25 năm có internet, Việt Nam đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực, trên thế giới; đã trở thành một nước mạnh về viễn thông. Internet đã trở thành yếu tố thiết yếu trong cuộc sống người dân, trở thành hạ tầng của nền kinh tế, nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hiện nay, thế giới đang trong cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Internet là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của nhân loại, thành tố quan trọng của chuyển đổi số.

Nhận định về tương lai của Internet Việt Nam từ nay đến 2025, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng: Internet Việt Nam đến năm 2025 sẽ rộng hơn, nhanh hơn và an toàn hơn; mục tiêu: “đến năm 2025: Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến, dẫn đầu khu vực ASEAN; Năm 2030: Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”. Các tuyến cáp quang biển tại Việt Nam phải do Việt Nam xây dựng, dữ liệu tại Việt Nam phải do người Việt tạo ra và lưu giữ. Người Việt Nam phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nếu không có hạ tầng số sẽ không có chủ quyền số.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Đỗ Thoa) 

Các doanh nghiệp viễn thông cùng với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ chuyển nguồn lực sang khai phá các thị trường mới, không gian mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin; đặc biệt là hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm lưu trữ dữ liệu.

Thứ trưởng cho biết, tới năm 2025 lượng truy cập Internet sẽ là 100% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; Đến 2030, 100% người sử dụng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI).

Hiện nay, hơn 73,2% dân số Việt Nam sử dụng internet trong cuộc sống hàng ngày, đứng thứ 13 trên thế giới. Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn, bản trên toàn quốc. Có 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang (đạt 72,4%). Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) là 94,2 triệu. Có hơn 82,2 triệu số thuê bao băng rộng di động.

Chia sẻ về thực trạng tài nguyên internet, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, tên miền quốc gia “.vn” là yếu tố đầu tiên trợ giúp người sử dụng tiếp cận với internet. Tên miền quốc gia “.vn” ngày nay là công cụ hữu ích, giúp kết nối, đưa thông tin, dịch vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lên không gian mạng, khẳng định thương hiệu, sản phẩm dịch vụ Việt Nam, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên internet. Việt Nam hiện có hơn 564.000 tên miền “.vn”, đứng thứ 2 Đông Nam Á (ASEAN), top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mức độ sử dụng địa chỉ IP (giao  thức internet) của Việt Nam thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng. Việt Nam nằm trong top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tận dụng tài nguyên internet, bà Trần Thị Thu Hiền để cập đến vấn đề phổ cập tên miền “.vn”, chuyển đổi sử dụng hoàn toàn IPv6, phát triển hệ thống hạ tầng internet quan trọng quốc gia (DNS), trạm Trung chuyển internet, đảm bảo an toàn mạng internet, tạo cơ chế chính sách hiện đại cởi mở, kịp thời cho sự phát triển internet.

Trong xu hướng di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số, trước đây, các nhà quản trị xã hội tìm cách quản lý internet thì hiện nay và giai đoạn tiếp theo, các nhà quản trị sẽ sử dụng internet để quản lý nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, trách nhiệm của ngành thông tin và truyền thông, cơ quan quản lý, doanh nghiệp là xây dựng hạ tầng internet tự chủ về công nghệ, rộng khắp, hiện đại, an toàn, thúc đẩy, bảo vệ sự an toàn của dòng chảy dữ liệu; dẫn dắt quá trình tích hợp internet vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực