Kết nối cung cầu công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số

Thứ sáu, 24/11/2023 20:55
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Nhiều ý kiến của doanh nghiệp viễn thông, cơ quan quản lý, nhà khoa học tham dự Hội thảo “Kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền Nam” đã đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại các tỉnh Đông Nam Bộ.

Ngày 24/11, tại TP Vũng Tàu, Cục Công nghiệp Công nghiệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền Nam”.

Các đồng chí: Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT - Bộ Thông tin và Truyền thông; Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ trì Hội thảo.

 Các đại biểu chủ trì Hội thảo (Ảnh: Quang Vinh)

Tại Hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp CNTT đã trình bày dự thảo Đề án xây dựng Vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, thành phố; trong đó, 3 tỉnh, thành phố nằm trong top 10 địa phương có doanh thu công nghiệp CNTT lớn nhất cả nước gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương; 3 địa phương này chiếm đến 97,7% doanh thu công nghiệp CNTT của vùng Đông Nam Bộ. Các tỉnh, thành phố còn lại có đóng góp rất nhỏ trong vùng và thứ hạng khiêm tốn trong bản đồ công nghiệp CNTT cả nước.

Hiện, doanh thu công nghiệp CNTT của Đông Nam Bộ đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế cả nước, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 11,7%. Do đó, mục tiêu của Đề án là phát triển công nghiệp CNTT tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành nền tảng, hình thành vùng động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ nhằm thực hiện thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để đạt được mục tiêu này, đề án đưa ra một số giải pháp như: Hoàn thiện, xây dựng cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển về công nghiệp CNTT và chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số; nâng cao năng lực phát triển, thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số; phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung; hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, logistics.

Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp viễn thông, cơ quan quản lý, nhà khoa học cũng trình bày tham luận về một số nội dung liên quan đến hình thành, phát triển trung tâm dữ liệu (HUB) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giải pháp chuyển đổi số cảng biển và logistics; khu công nghiệp kiểu mẫu và thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng CNTT trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; chuyển đổi số trong du lịch và xu thế ứng dụng CNTT trong du lịch...

 Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Quang Vinh)

Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp cho rằng, hiện có một thực tế trong các doanh nghiệp đó là sử dụng quá nhiều phần mềm nhỏ lẻ, rời rạc dẫn đến khó khăn trong việc báo cáo; chi phí mua, quy trì, triển khai phần mềm cao… dẫn đến không đồng nhất một môi trường làm việc.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện, 32% các doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại là do thiếu sự cam kết, chiến lược rõ ràng từ phía Ban lãnh đạo và các nhà quản trị; 52,3% các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen tập quán kinh doanh; 60,1% các doanh nghiệp gặp khó khăn với chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ số; 23,4% các doanh nghiệp lo ngại việc rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân và tổ chức.

Để không ảnh hưởng tới hoạt động của công ty, cũng như tầm quan trọng từng nghiệp vụ, các đại biểu, các đơn vị doanh nghiệp cần chuẩn và số hóa dữ liệu, chính sách quy định; quy trình hóa và tự động hóa; xây dựng dashboard báo cáo, thống kê và cải tiến, tối ưu hóa vận hành nâng cao năng suất.

Về thứ tự của việc chuyển đổi số, nhiều đại biểu nêu rõ: Cần thực hiện từ chuyển đổi số quản trị nguồn nhân lực. Đây được coi là trung tâm của chuyển đổi số nội bộ, tất cả các hành vi chuyển đổi số nội bộ đều hướng tới giảm chi phí và nâng cao năng suất. Vì thế, quản trị nguồn ngân lực phải được thực hiện đầu tiên. Tiếp đến là chuyển đổi số công tác quản lý công việc, quy trình và chuyển đổi số nghiệp vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng.

Dịp này, đại diện một số doanh nghiệp viễn thông cũng trao tặng một số sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực