Lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển thị trường KH&CN

Thứ hai, 09/12/2024 17:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.
 Ảnh minh họa. Nguồn: CP

Dự thảo Thông tư này hướng dẫn việc quản lý Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được phê duyệt tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo nêu rõ, ưu tiên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát tổng thể các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để thị trường khoa học và công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực cần đáp ứng các tiêu chí sau:

Có kế hoạch xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ rõ ràng, đảm bảo nguồn lực cho việc duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi nhiệm vụ.

Xác định được nhu cầu công nghệ cụ thể và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ đáp ứng các tiêu chí sau:

Có phối hợp giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học để thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ.

Tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đầu tư ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải cam kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ít nhất 02 năm đầu sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cần đáp ứng các tiêu chí sau:

Kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ giới hóa, chế biến sâu trong nông nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Tổ chức chủ trì phải chứng minh được khả năng huy động đủ nguồn tài chính ngoài ngân sách và sử dụng kết quả của nhiệm vụ.

Phát triển mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia khoa học và công nghệ nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí sau:

Có khả năng cung cấp công cụ hỗ trợ tìm kiếm, tra cứu, lưu giữ thông tin, dữ liệu về các chuyên gia Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài và các tổ chức, đơn vị đối tác tiềm năng có liên quan.

Có khả năng cung cấp các công cụ kết nối và nâng cao khả năng tiếp cận của cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia, nghiên cứu sinh, du học sinh, doanh nhân Việt Nam trên thế giới tới Cổng thông tin quốc gia về thị trường khoa học và công nghệ.

Ưu tiên tổ chức cung cấp dịch vụ kết nối hỗ trợ bên khác trong giao dịch liên quan đến công nghệ, bao gồm: dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa công nghệ; dịch vụ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tư vấn đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp; tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; liên minh hợp tác xã; hiệp hội ngành nghề.

Theo dự thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện Chương trình theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Hướng dẫn xác định, tuyển chọn, giao trực tiếp và thẩm định kinh phí nhiệm vụ; phê duyệt danh mục nhiệm vụ; phê duyệt nội dung, kinh phí, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ; ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ; điều chỉnh và chấm dứt hợp đồng thực hiện nhiệm vụ; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm máy móc, thiết bị, hàng hóa, nguyên vật liệu và dịch vụ bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước của các nhiệm vụ; tổ chức đánh giá, nghiệm thu, công nhận kết quả và thanh lý hợp đồng thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Đơn vị quản lý chuyên môn các nhiệm vụ của Chương trình chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý kinh phí, Ban chủ nhiệm và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng báo cáo định kỳ, đột xuất, tổng kết về kết quả thực hiện hàng năm; tổ chức sơ kết, tổng kết chương trình.

Đơn vị quản lý kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình chủ trì xây dựng kế hoạch tài chính, lập dự toán ngân sách thực hiện Chương trình; chủ trì ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, quản lý kinh phí, cấp kinh phí, xác nhận kinh phí, thanh quyết toán kinh phí; kiểm tra, đánh giá định kỳ hoặc đột xuất nhiệm vụ, điều chỉnh hợp đồng, chấm dứt hợp đồng và các nhiệm vụ khác được phân công liên quan đến quản lý kinh phí theo quy định quản lý tài chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.

Ban Chủ nhiệm Chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập. Ban Chủ nhiệm Chương trình gồm 9 đến 11 thành viên, trong đó có Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, 01 Ủy viên kiêm thư ký khoa học và các ủy viên khác do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực