Liên tiếp 3 trận động đất xảy ra trong vòng một giờ tại Kon Tum

Thứ hai, 19/08/2024 15:32
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chỉ trong buổi sáng ngày 19/8/2024 đã có 3 trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại tỉnh Kon Tum trong vòng một giờ, trong đó có trận mạnh nhất 3.3 độ. Động đất không gây thiệt hại về người và tài sản.
 Bản đồ tâm chấn động đất ngày 19/8. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào hồi 11 giờ 8 phút 8 giây, ngày 19/8, một trận động đất đã xảy ra ở tọa độ 14,930N-108.193E, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, độ lớn 3,3 thuộc địa phận huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Trận động đất thứ 2 xảy ra vào hồi 11 giờ 17 phút 18 giây ngày 19 tháng 8 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 3,1 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14,911 độ vĩ Bắc, 108,226 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp  0.

Trận thứ 3 xảy ra vào hồi 12 giờ 04 phút 07 giây ngày 19 tháng 8 năm 2024 một trận động đất có độ lớn 3,2 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14,912 độ vĩ Bắc, 108,210 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp  0.

Hôm qua (18/8) đã xảy ra 5 trận động đất tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum có độ lớn từ 2,6 đến 3,0 độ richter. Cấp độ của các trận động đất này không gây rủi ro thiên tai. Qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước. Dự báo động đất kích thích tại Quảng Nam và Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn và khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter.

Để giảm thiểu những rủi ro do động đất gây ra, những ngày đầu tháng 8/2024, Viện Vật lý địa cầu đã cử đoàn công tác đi khảo sát thực địa, tuyên truyền, hướng dẫn và phát tờ rơi cho người dân về kĩ năng ứng phó với động đất tại khu vực tâm chấn động đất ở các xã: Đắk Tăng, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút và Măng Cành.

Thông qua trao đổi trực tiếp với người dân, Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các tài liệu hướng dẫn sát với thực tiễn địa phương giúp bà con ổn định tâm lý, thích nghi với tình hình động đất... Đồng thời, Đoàn công tác của Viện Vật lý địa cầu cũng đã lắp đặt thêm 1 trạm quan trắc tự động ở xã Măng Bút.

Như vậy, tính đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã lắp đặt 12 trạm quan trắc để theo dõi tình hình động đất tại Kon Tum, trong đó có 8 trạm cố định và 4 trạm di động. Viện cũng sẽ thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về động đất để đánh giá mức độ hoạt động của động đất ở địa phương này./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực