Ngày 17/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam tổ chức Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và Hội thảo khoa học: "Giải pháp phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới".
Đây là dịp để tôn vinh các nhà khoa học, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy năng lực của các nhà khoa học trong nghiên cứu tư vấn chính sách; đồng thời lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về các giải pháp, đề xuất làm cơ sở xây dựng Viện Hàn lâm trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới vào năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương, trong đó nhiệm vụ đặt ra là tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực.
|
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu. Ảnh: TT |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm và đề dẫn Hội thảo khoa học, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước, luôn có sự đóng góp vô cùng to lớn và đáng tự hào của thế hệ các nhà khoa học đã và đang làm việc tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của Viện Hàn lâm được ghi nhận bằng nhiều công trình nghiên cứu đồ sộ và nhiều giải thưởng cao quý của các nhà khoa học nhiều thế hệ.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho hay, đứng trước những cơ hội và thách thức, yêu cầu đặt ra cho Viện Hàn lâm trong việc thực hiện Nghị quyết 45 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, trong đó nhiệm vụ đặt ra cho Viện Hàn lâm phát triển thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, cần phải có đủ điều kiện, năng lực để giữ vững vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức... Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cần tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học; xác định lĩnh vực, hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Đức Minh đề nghị các nhà khoa học, các viên chức, người lao động của Viện Hàn lâm tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp hiệu quả hơn nữa, duy trì, phát huy vị trí của Viện Hàn lâm trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện Triết học cho rằng, để có được đột phá trong công tác nghiên cứu, nhất là nghiên cứu khoa học xã hội cần một hệ giải pháp đồng bộ. Vấn đề quan trọng nhất theo PGS.TS Nguyễn Tài Đông có lẽ không phải là kinh phí, mà là con người. Nhân sự nghiên cứu khoa học là yếu tố quyết định không chỉ đến bản thân sự phát triển KHXH, mà trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển đất nước. Nhà khoa học không chỉ cần bình đẳng, mà cũng cần dân chủ. Bình đẳng là công bằng về phân phối và cơ hội cho mọi người, không cào bằng giữa các nhà nghiên cứu. Dân chủ ở đây là tự do trong nghiên cứu, là không bị khống chế bởi cơ chế hành chính phi khoa học.
PGS.TS Nguyễn Tài Đông đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành “Nghị định ban hành quy chế quản lý khoa học xã hội và nhân văn”. Khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam hiện nay đang đứng trước nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách, chưa có tiền lệ. Cần có một quy chế quản lý để tạo hành lang an toàn, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đang làm công tác nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng và đội ngũ các nhà khoa học xã hội, nhân văn nói chung có những đóng góp thiết thực phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước.
|
Nhân dịp này, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã biểu dương và tôn vinh các đơn vị, cá nhân nhà khoa học có thành tích trong hoạt động khoa học công nghệ năm 2023. Ảnh: TT |
Đặt vấn đề phát triển Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, theo TS Phạm Anh Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam để làm được nhiệm vụ này đòi hỏi Viện Hàn lâm có những điều kiện cần là sự hỗ trợ về nguồn lực mọi mặt của Đảng và Nhà nước, cùng với quá trình chuyển đổi toàn diện hoạt động nghiên cứu theo hướng hiện đại, hiệu quả, kết hợp với các điều kiện đủ là sự tôn vinh đối với công việc của nhà khoa học, cũng như năng lực nghiên cứu tiệm cận với quốc tế, tiến tới ngang tầm với các trung tâm nghiên cứu lớn của các nước tiên tiến.
“Việc thực hiện được các điều kiện này sẽ còn cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, hệ thống từ các cấp, sự phối hợp của các ngành liên quan. Nếu thực hiện được, Việt Nam sẽ có một trung tâm nghiên cứu đóng góp thiết thực vào nền tảng tri thức quốc gia và đạt được uy tín cao, cùng với các trung tâm nghiên cứu lớn khác trên thế giới”- TS Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ, đáp ứng công tác khoa học của Viện Hàn lâm, TS Nguyễn Đình Chúc, Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm cho hay, cơ sở hạ tầng không chỉ giới hạn ở việc cung cấp không gian và thiết bị cần thiết mà còn bao gồm việc tích hợp công nghệ tiên tiến và hệ thống thông tin hiện đại. Để duy trì và cải thiện chất lượng nghiên cứu, cần phải chú trọng đến việc đầu tư và cải tiến liên tục hạ tầng này, bao gồm sự cần thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và theo kịp với các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, nghiên cứu trong thời gian thực…
Nhân dịp này, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã biểu dương và tôn vinh các đơn vị, cá nhân nhà khoa học có thành tích trong hoạt động khoa học công nghệ năm 2023./.