|
Thiết bị xử lý nước thải Dvis đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế. Ảnh: BL |
Modul thiết bị xử lý nước thải Dvis phân tán theo cơ chế “Plug & Play – Cắm là chạy” do các chuyên gia tại Công ty cổ phần Xây dựng và Môi trường Việt Nam (VINSE) và Viện Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) nghiên cứu, thiết kế.
Công trình đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây.
Thiết bị xử lý nước thải Dvis sử dụng công nghệ lồng quay sinh học được TS. Trịnh Xuân Đức và các cộng sự chủ trì nghiên cứu phát triển trên cơ sở lý thuyết và mô hình động học lai ghép của công nghệ màng vi sinh dính bám kết hợp màng vi sinh bán chuyển động.
Chia sẻ về thành công này, Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức cho biết: Với sự tham gia của 6 chuyên gia trong lĩnh vực xử lý nước, công trình được bắt đầu thực hiện vào tháng 4/2016, hoàn thành nghiệm thu vào tháng 4/2020 và sau đó tiếp tục cho đến thời điểm hoàn thiện vào tháng 4/2022.
Để thực hiện công trình, nhóm tác giả đã tích hợp tất cả các công đoạn của một nhà máy xử lý nước thải vào một đơn nguyên duy nhất theo dạng modul, giống như việc các chức năng của một rạp chiếu bóng từng được tích hợp vào một chiếc smartphone nhỏ bằng lòng bàn tay, nhằm thu gọn các công đoạn của một nhà máy xử lý nước thải để giúp tiết kiệm diện tích và chi phí.
Đồng thời, nhóm tác giả muốn tạo ra một trạm xử lý không gây ô nhiễm bùn thải, mùi hôi để có thể đưa vào trong các khu nhà chung cư, khu du lịch, khách sạn như một cảnh quan công viên. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc xử lý nước thải và giảm thiểu tác động đến môi trường sống.
|
Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, chủ nhiệm đề tài (thứ 3 từ trái sang phải) nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022. Ảnh: TL |
Thiết bị xử lý nước thải Dvis được thiết kế với nguyên tắc "cắm là chạy" đem lại hiệu quả về mặt kinh tế. Thiết bị chỉ cần một nhân công cơ bản để kiểm tra chứ không cần đến nhân công trực tiếp trong quá trình vận hành.
Có thể nói rằng Dvis là thiết bị xử lý nước thải vô cùng tiện ích và linh hoạt. Vì vậy ngay sau khi ra mắt, Dvis đã được triển khai và sử dụng bởi nhiều tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp tại Việt Nam. Cụ thể, Dvis đã được lắp đặt và vận hành tại các khách sạn như Viettel Hà Nội, các bãi khai thác than của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, nhà máy sản xuất Hải Phòng, Tập đoàn Viettel Vũng Tàu, Hải Phòng.
Không chỉ được ứng dụng trong các doanh nghiệp, Dvis cũng đã được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Điều này cho thấy tiềm năng của Dvis không chỉ trong thị trường nội địa mà còn có thể mở rộng ra các thị trường quốc tế.
Vinh dự và tự hào khi công trình nghiên cứu được Hội đồng chấm điểm quốc gia đánh giá cao và đạt xếp hạng nhì về lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức chia sẻ: “Với tư cách là một nhà khoa học, tôi tin rằng chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được đến bục vinh quang nhất. Nhưng điều quan trọng là sản phẩm của chúng tôi - thiết bị xử lý nước thải Dvis đã chứng tỏ được giá trị và tiềm năng lớn trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra thêm việc làm cho người lao động. Sản phẩm của chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và góp phần đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội, của quốc gia”.
Theo Tiến sĩ Trịnh Xuân Đức, thời gian tới, nhóm tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển để ứng dụng Dvis vào việc xử lý nước thải tại các làng nghề, trạm xá địa phương, trường học và các địa điểm khác. Nhóm tác giả cũng tin rằng với hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội tốt, Dvis sẽ trở thành một công cụ hữu ích trong việc quản lý và bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước./.