Thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay

Thứ sáu, 15/12/2023 21:57
(ĐCSVN) - Đó là chủ đề của Toạ đàm do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức ngày 15/12/2023 tại Hà Nội. Khách mời tham gia Toạ đàm là nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực tài nguyên môi trường và cuộc sống
 Toạ đàm "Thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay"

Số liệu được đưa ra trong báo cáo đề dẫn của Toạ đàm cho biết: Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cung cấp nước sinh hoạt cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%...

Tuy nhiên, theo phát biểu của PGS.TS. Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, thì nhiều khu vực tại đô thị đang phải đối mặt với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt. Mặc dù đã có những quy chuẩn về chất lượng nước nhưng việc tuân thủ quy chuẩn này vẫn còn bỏ ngỏ.

Cũng đưa ra nhận xét về chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị, PGS.TS. Phạm Ngọc Châu cho rằng nguồn nước cung cấp cho đô thị và đặc biệt là Hà Nội rất nan giải. Nguy cơ ô nhiễm các vi sinh vật vào trong hệ thuống nguồn nước sinh hoạt sẽ có những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, ví dụ như có thể gây ra dịch tả, tiêu chảy…

Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị thời gian tới, ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng trước tiên phải rà soát, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về cấp nước đô thị hiện nay để làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ hành vi liên quan đến cấp nước đô thị; trong đó, cần sớm xây dựng ban hành Luật Cấp, thoát nước. Đồng thời về dài hạn, việc quy hoạch cấp nước đô thị phải gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với trình độ khoa học - công nghệ hiện nay. Hoàn thiện cơ chế tài chính, đầu tư, cơ chế, chính sách xã hội hóa cấp nước đô thị; thực hiện phân cấp quản lý cho địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động cấp nước đô thị (tiền kiểm, hậu kiểm); cơ chế phối hợp quản lý, chia sẻ thông tin và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp nước liên vùng…

Toạ đàm “Thực trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay” đã thu nhận được nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực tài nguyên môi trường và cuộc sống. Các ý kiến tại Toạ đàm sẽ được tập hợp chuyển tới các cấp quản lý, các cơ quan chuyên môn để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong đó có công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt tại đô thị hiện nay./.

Trí Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực