Tổ chức đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch bán dẫn

Thứ sáu, 23/08/2024 09:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Giảng viên từ 18 trường đại học công nghệ hàng đầu tại Việt Nam cùng tham gia vào khóa đào tạo về thiết kế vi mạch dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Nhằm phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, chiều 22/8, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng công ty Siemens EDA và Công ty Công nghệ Vietbay (Vietbay), Công ty SunEdu tổ chức Lễ khai giảng Chương trình đào tạo cho các giảng viên về thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo đó, từ nay đến tháng 10/2024, giảng viên từ 18 trường đại học được lựa chọn trong Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tham gia vào một khóa đào tạo về thiết kế vi mạch dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế.

Các trường đại học công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật mật mã,... cũng sẽ nhận được gói hỗ trợ bản quyền phần mềm thiết kế bo mạch (PCB) từ Siemens để nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực, phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

 Chương trình đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, kết nối của NIC giữa các doanh nghiệp và trường đại học

Sau khóa đào tạo, Việt Nam sẽ có thêm nhiều giảng viên, chuyên gia được tiếp cận toàn diện với công nghệ mới nhất của thế giới. Họ sẽ có thể tự tin ứng dụng và đào tạo lại cho các kỹ sư, sinh viên, từ đó đóng góp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, khóa đào tạo giảng viên thiết kế vi mạch bán dẫn là một trong những hoạt động làm sâu sắc mối quan hệ giữa "Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp". Điều này góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo hàng nghìn nhân sự tài năng trong ngành bán dẫn. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, nhà trường đóng vai trò trung tâm, doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Việt Nam xác định ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chủ động và mang tính đột phá nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại Lễ khai giảng Chương trình đào tạo cho các giảng viên về thiết kế vi mạch bán dẫn, Tập đoàn Siemens EDA đã trao tài trợ 300 bộ bản quyền phần mềm xác thực thiết kế bo mạch (Valor DFM) cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và các trường đại học của Việt Nam.

Đến thời điểm này, Siemens EDA đã tài trợ tổng cộng 1.200 bộ bản quyền phần mềm cho NIC và 18 trường đại học (được lựa chọn tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ Việt Nam).

Chương trình này đã thể hiện rất rõ vai trò dẫn dắt, kết nối của NIC giữa các doanh nghiệp và trường đại học. NIC đang tạo ra những điều kiện tốt nhất, những bàn đạp, bệ phóng để nhân lực Việt Nam trở nên tài năng hơn, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường để từ đó tự tin, sẵn sàng chinh phục thị trường toàn cầu. Ngoài ra, chương trình cũng là sự khẳng định cam kết của Siemens EDA trong việc đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực