TP. Busan và TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thứ năm, 22/08/2024 13:20
(ĐCSVN) - Chiều 21/8, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với đoàn Thành phố Busan (Hàn Quốc) nhằm thảo luận về các cơ hội hợp tác kinh doanh toàn cầu, thu hút đầu tư, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố Busan và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn Thành phố Busan đến thăm và làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh 

Tại buổi làm việc, đại diện đoàn Thành phố Busan đã giới thiệu một số hoạt động tiêu biểu, chính sách hỗ trợ dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Busan. Busan là thành phố trung tâm về logistics, đang xúc tiến dự án giao lưu toàn cầu nhằm thu hút các công ty khởi nghiệp toàn cầu và công ty nước ngoài vào Busan. Busan cũng mong muốn trở thành thành phố khởi nghiệp hàng đầu châu Á thông qua việc xúc tiến kinh doanh có hệ thống trong 5 lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ/viện trợ, mạng lưới toàn cầu, quỹ đầu tư và đào tạo nhân tài.

Đến thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, đoàn Thành phố Busan mong muốn tìm hiểu, thảo luận về kế hoạch hợp tác kinh doanh toàn cầu giữa Thành phố Busan và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt chia sẻ cơ hội tham gia sự kiện FLY ASIA 2024 (Lễ hội khởi nghiệp châu Á) sắp tới tại Busan. Sự kiện FLY ASIA được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2022, nhằm thu hút đầu tư, hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp châu Á triển vọng vươn ra trường quốc tế, đồng thời kết nối, giao lưu giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước. Năm nay, FLY ASIA được tổ chức trong tháng 10, tập trung vào các từ khóa "đầu tư" và "toàn cầu", với nhiều hoạt động và giải thưởng lớn dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, sẽ là cơ hội kết nối, mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu, thu hút các doanh nghiệp, công ty lớn cùng tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Busan.

Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo) chia sẻ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là năng động nhất cả nước. Thành phố hiện có hơn 2000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (trong số đó doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm hơn 65%), 45 tổ chức ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, 97 trường đại học và cao đẳng, hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động,… Mỗi năm Thành phố cũng có khoảng 500 sự kiện và gần 80 cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tìm kiếm và hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Theo bà Trúc, các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.Hồ Chí Minh hiện tập trung vào 4 nhóm gồm xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh; chính sách đặc thù trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo được ban hành tại Nghị quyết số 98/2023/QH15; xây dựng và vận hành nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo TP.Hồ Chí Minh (nền tảng H.OIP); phát triển thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Thống nhất với những thông tin trao đổi từ phía đoàn Thành phố Busan, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) mong muốn sắp tới hai bên sẽ có những hoạt động cụ thể nhằm kết nối, chia sẻ các cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Lê Thanh Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đang tìm kiếm các cơ hội kết nối đầu tư hợp tác của các đối tác nước ngoài trong các hoạt động tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. Hồ Chí Minh; hợp tác về ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (chương trình trao đổi startup giữa Busan và TP. Hồ Chí Minh); kết nối, chia sẻ trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp cận chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,…

Lam Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực