Xây dựng chính quyền số ở miền núi Bắc Trà My

Thứ ba, 11/10/2022 15:30
(ĐCSVN) – Trên cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, đến nay huyện Bắc Trà My đã đạt được một số kết quả bước đầu; qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tạo sự đổi mới căn bản, toàn điện trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền...
leftcenterrightdel
100% cán bộ, công chức, viên chức tại  Bắc  Trà  My xử lý công việc trên hệ thống quản lý và điều hành công việc Qoffice; đồng  thời  ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc.

Với điều kiện là một huyện miền núi cao, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên Bắc Trà My những năm qua đã tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin.

Theo đồng chí Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, trên cơ sở xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài trong giai đoạn mới nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo sự đổi mới căn bản, toàn diện trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị của huyện. Theo đó, từ năm 2021, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/04/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các nội dung công việc một cách đồng bộ, rõ việc, có trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTTT) trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%; 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) xử lý công việc trên hệ thống quản lý và điều hành công việc Qoffice; 100% văn bản phát hành trên hệ thống Qoffice có đầy đủ chữ ký số cơ quan và chữ ký số lãnh đạo cơ quan; 100% văn bản đi/đến được thực hiện trên Qoffice, trừ văn bản mật; 100% cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã đã được cấp chứng thư số và sử dụng chữ ký số chuyên dùng; 100% công chức cấp huyện, cấp xã tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã được cấp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện việc số hoá thủ tục hàn chính (TTHC); chuyển giao 72% TTHC của các cơ quan cho bưu chính công ích tiếp nhận và trả kết quả TTHC cho tổ chức, công dân.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, huyện đã thực hiện giải quyết 235 TTHC trên dịch vụ công trực tuyến mục độ 3, mức độ 4; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện đảm bảo báo cáo số liệu trên hệ thống thông tin báo cáo LRIC và GRIC.

Trên 75% thôn, tổ có kết nối đường truyền internet băng rộng. Tỉ lệ thôn được được phủ sóng di động 3G, 4G khoảng 97% (vẫn còn một số thôn, khu dân cư sóng đi động 3G, 4G yếu, chập chờn); 10/46 nhà văn hoá thôn được cung cấp địch vụ Wifi (thị trấn và xã Trà Sơn); số hộ gia đình sử dụng Internet wifi là trên 2780 hộ; 100% trụ sở UBND cấp xã có hệ thống mạng Internet tốc độ cao của 02 nhà mạng Viettel, VNPT và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã; tổ chức khảo sát hạ tầng, trang thiết bị CNTT để triển khai đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống mạng LAN tại trụ sở UBND các xã, thị trấn.

Ngoài ra, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến trên địa bàn huyện cũng được đầu tư, nâng cấp phục vụ tốt các cuộc họp từ Trung ương- tỉnh- huyện- xã, với 15 hệ thống hội nghị truyền hình (02 điểm cầu huyện và 13 điểm cầu xã); 100% UBND cấp xã được trang bị máy in, máy photocopy, máy scan phục vụ cho cán bộ, công chức làm công việc chuyên môn; 06/13 xã có hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT- viễn thông (Trà Giác, Trà Sơn, Trà Giáp, Thị trấn Trà My, Trà Tân và Trà Nú). 

leftcenterrightdel
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số và xây dựng kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam” do UBND tỉnh này vừa tổ chức, nhiều đơn vị tiêu biểu trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền  điện  tử, trong  đó có Bắc Trà My được các đại biểu dành nhiều quan tâm.  

Trong năm 2022, huyện Bắc Trà My đã đưa vào vận hành chính thức Trung tâm điều hành thông minh IOC Bắc Trà My với nhiều phần mềm tích hợp vào IOC như camera giám sát an ninh, camera giao thông, dịch vụ công, giám sát thông tin trên môi trường mạng, giám sát y tế, giám sát giáo dục, quản lý và cảnh báo cháy rừng, phản ảnh kiến nghị của người dân, giám sát tình hình xử lý văn bản trên Qoffice; đưa ứng dụng Bắc Trà My Smart trên nền tảng di động với nhiều tiện ích nhằm đẩy mạnh kết nối giữa người dân với chính quyền trên nền tảng số; xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đô thị huyện Bắc Trà My, hệ thống camera trường học, camera an ninh tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn huyện; thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện và 13/13 xã, thị trấn; thành lập Tổ công nghệ cộng đồng ở 46/46 thôn, tổ dân phố. Qua đó giúp đẩy mạnh việc triển khai chuyển đối số trên địa bàn huyện.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, hiện Bắc Trà My bước đầu cũng có những kết quả nổi bật. Trong đó, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, Chi cục Thuế khu vực Tiên Phước — Trà My đã đưa vào triển khai biên lai điện tử, hóa đơn điện tử, dịch vụ thanh toán phí, lệ phí trong giải quyết TTHC.

Trong lĩnh vực xã hội số, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Cổng thông tin điện tử huyện, Đài truyền thanh huyện, đài truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, băng rôn, pano và tờ rơi về hướng dẫn, cài đặt, sử dụng ứng dụng Bắc Trà My Smart, Smart Quảng Nam; phối hợp với doanh nghiệp Viettel tuyên truyền hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử bằng thiết bị di động thông minh; Bảo hiểm xã hội huyện cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện Bắc Trà My vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện đến nay chưa được đầu tư đồng bộ, một số khu vực khu dân cư không có sóng và bị lõm sóng di động, mạng di động 3G yếu không truy cập được internet; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp; tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp do vẫn có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp, trình độ ứng dụng CNTT của người dân còn hạn chế. Một  bộ phận CBCCVC chưa thể hiện rõ quyết tâm, trách nhiệm chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT tạo nền tảng cho chuyển đổi số tại đơn vị; còn ngại tiếp xúc, ngại cập nhật, ngại đổi mới. Công tác thông tin tuyên truyền chuyển đổi số chưa sâu rộng, chưa đổi mới. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số chưa được thực hiện thường xuyên. Nguồn kinh phí đầu năm cho chuyển đổi số còn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh nên cũng gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch; chưa huy động được nguồn lực của xã hội tham gia phát triển hạ tầng viễn thông - CNTT trên địa bàn huyện...

leftcenterrightdel
Trong thời gian tới, huyện Bắc Trà My sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và các nhà mạng tiến hành khảo sát, đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông ở những địa bàn vùng lõm về sóng wifi. 

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, theo UBND huyện Bắc Trà My, huyện sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT trong quản lý và điều hành công việc; quan tâm đầu tư đảm bảo trang bị đầy đủ các thiết bị số hóa phục vụ số hóa tài liệu và chứng thực điện tử từ huyện đến xã, thị trấn.

Bắc Trà My cũng tục tập trung đầu tư, nâng cấp phát triển đồng bộ hạ tầng số; khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng, phần mềm đang triển khai vận hành; phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng viễn thông phủ lõm sóng di dộng và mạng internet băng rộng đến các thôn trên địa bàn huyện; thiết lập hệ thống mạng wifi đến các nhà văn hoá thôn trên địa bàn huyện; triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh cho người dân.

Đặc biệt, huyện sẽ vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành thông minh IOC huyện Bắc Trà My; giải quyết và trả lời kịp thời các phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên ứng dụng Bắc Trà My Smart.

“UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số đối với lĩnh vực do mình phụ trách theo kế hoạch trung hạn 05 năm về triển khai chuyển đổi số trên địa bàn huyện; tập trung đầu tư trang thiết bị, hệ thống hạ tầng thông tin đảm bảo triển khai hiệu quả chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; triển khai thực hiện số hóa hồ sơ và giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và cấp xã; đầu tư xây dựng các phần mềm chuyên ngành nhằm phục vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành công việc; tiếp tục hoàn thiện đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống mạng LAN tại UBND các xã, thị trấn; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cho 07 xã còn lại trên địa bàn huyện; hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số”- Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Lê Văn Tuấn chia sẻ./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực