Bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn

Thứ năm, 17/12/2015 16:09
Quýt Bắc Kạn là cây trồng bản địa, mang nguồn gen quý, có thể canh tác ở độ dốc lớn; những năm qua, cây quýt đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Vườn quýt tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đang cho thu hoạch. Ảnh:TTXVN
Quýt Bắc Kạn cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Vừa qua, quýt Bắc Kạn và hồng không hạt của Bắc Kạn cũng đã được vinh danh đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời đại diện của Sài Gòn Co.op cũng đã xem xét ký kết hợp đồng cung ứng quýt Bắc Kạn đối với Sài Gòn Co.op trong thời gian tới. Đây là những cơ hội lớn để quýt Bắc Kạn vươn xa đến với mọi miền tổ quốc, nhưng đồng thời cũng đặt ra vấn đề đối với tỉnh Bắc Kạn đó là nâng cao chất lượng, bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn. 

Cây quýt được trồng đầu tiên ở thôn Khuổi Piểu, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, ban đầu chỉ vài hộ trồng một ít để ăn, sau đó được nhân rộng ra. Thời gian đầu người dân trồng bằng hạt nên cây quýt phát triển chậm, sau 10 - 15 năm mới cho thu hoạch, sản lượng, chất lượng quả thấp. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Dự án Quy hoạch đưa quýt là cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2008 - 2015, tầm nhìn đến 2020, đồng thời giao cho Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương thực hiện nghiên cứu, phục tráng, nhân giống và hướng dẫn kỹ thuật từ mô hình thử nghiệm đến trồng đại trà đối với loại cây này. Từ ngày được tỉnh quan tâm, áp dụng khoa học công nghệ trong gieo trồng, nhân giống, diện tích quýt Bắc Kạn đã tăng gấp 200 lần chỉ trong vòng h ơn 10 năm qua. 

Hiện tỉnh Bắc Kạn đã quy hoạch được vùng trồng cam quýt tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ngân Sơn với diện tích 1.500 ha. Đặc biệt, xã Quang Thuận, được coi là vựa quýt của tỉnh, với diện tích trồng quýt khoảng hơn 400 ha, chiếm hơn 40% diện tích trồng quýt của cả tỉnh. Tại đây, quýt được nhân giống để chuyển đi trồng ở các địa phương khác như Thái Nguyên, Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng… 

Ông Hà Thiêm Doanh, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: Hiện nay, Quang Thuận có 80% hộ dân trồng quýt; trong đó khoảng 40% có thu nhập cao từ quýt. Nhờ trồng quýt, kinh tế của nhiều hộ gia đình đã khấm khá hơn. Xã Quang Thuận hiện nay chỉ còn 20 hộ nghèo trong tổng số 489 hộ dân. Chính vì vậy, cây quýt vừa được coi là cây trồng thế mạnh trong phát triển kinh tế, vừa là cây trồng giúp giảm nghèo bền vững của xã Quang Thuận nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. 

Quýt Bắc Kạn có hình tròn dẹt, vỏ nhẵn, khi chín có màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, bà con thường không dùng chất kích thích trong quá trình chăm sóc cũng như hóa chất bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên rất được người dân địa phương và các tỉnh lân cận ưa chuộng.

Tuy nhiên, theo bà La Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông thì cây quýt sau thời gian trồng đã thoái hóa dần và bị sâu bệnh, hiện nay có hơn 200 ha quýt của người dân huyện Bạch Thông bị sâu bệnh đục thân, thối quả, vàng lá do thối rễ... Bên cạnh đó, quả quýt vẫn hơi chua và nhiều hạt. Một số người dân khi bán trà trộn quýt nơi khác vào làm giảm chất lượng và thương hiệu quýt Bắc Kạn. 

Theo ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn: Thời gian qua đã có nhiều đề tài, dự án để phục tráng và bảo tồn nguồn gen quý của quýt Bắc Kạn. Đồng thời Sở cũng đã chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản quả sau thu hoạch; nhân rộng mô hình "quy trình kỹ thuật chuẩn" trong trồng quýt... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quýt Bắc Kạn. 

Vừa qua, Dự án phục tráng quýt Bắc Kạn đã xây dựng 1 vườn ươm, sản xuất trên 18.000 cây giống chất lượng cao để cung cấp cho 6 xã Địa Linh, Cao Trí, Thượng Giáo, Yến Dương, Mỹ Phương và thị trấn Chợ Rã (huyện Ba Bể) trồng trên 20 ha quýt. Bằng nguồn vốn hỗ trợ lồng ghép với chương trình 30a, dự án tiếp tục mở rộng và phát triển thêm 100 ha quýt ở 6 xã Thượng Giáo, Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương, Hà Hiệu, Chu H ương (Ba Bể) với 141 hộ tham gia nâng tổng diện tích trồng quýt của huyện lên 120 ha. Đến nay toàn bộ diện tích quýt đều phát triển tốt, một số vườn quýt đã bắt đầu cho thu hoạch. 

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân nhân rộng các diện tích quýt chất lượng, có hiệu quả cao, nhằm giữ vững và nâng cao thương hiệu quýt Bắc Kạn. Tới đây, tỉnh dự kiến sẽ xây dựng mô hình sản xuất quýt theo quy trình VietGAP nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm, giúp sản phẩm quýt Bắc Kạn tiêu thụ ổn định hơn, có cơ hội để vươn xa hơn trong tương lai…/. 

Đức Hiếu/TTXVN

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực