Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)
Xã Đông Thạnh có hơn 500 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 8.000 con, trong đó có hơn 4.000 con đang vắt sữa. Trong quá trình phát triển chăn nuôi bò sữa, bà con nông dân luôn được các cấp, các ngành tạo điều kiện tham gia các lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cũng như các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật có liên quan đến chăn nuôi bò cũng như những cuộc tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi bò sữa có hiệu quả.
Anh Trương Văn Thuận là một trong những người điển hình về chăn nuôi bò sữa ở Đông Thạnh. Anh là người đã 3 lần tham gia Hội thi - Triển lãm bò sữa TP. Hồ Chí Minh (năm 2011, năm 2013 và năm 2015). Anh Thuận khởi nghiệp chăn nuôi bò sữa từ năm 1988, đến nay đã được 18 năm. Với kinh nghiệm tích luỹ được trong suốt 18 năm, với những kiến thức đã được tập huấn, anh đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sữa, từ hoạt động chọn giống, gieo tinh, xây dựng chuồng trại thoáng mát có hệ thống phun sương và hệ thống dẫn phân vào hầm biogas. Anh cũng ứng dụng quy trình chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho các giai đoạn sinh trưởng từ bê con đến khi bò trưởng thành lấy sữa.
Nhờ đó, trong nhiều năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và chịu nhiều ảnh hưởng do giá thức ăn cho bò sữa tăng cao, dịch bệnh xuất hiện, nhất là giá thu mua sữa bấp bênh, nhưng nghề nuôi bò sữa của anh cơ bản vẫn ổn định. Gia đình anh có 93 con bò sữa, trong đó có 45 con đang vắt sữa, bình quân mỗi ngày 650 kg, bán với giá bình quân 12.000 đồng/kg. Với năng suất và chất lượng sữa ổn định, đã đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho gia đình anh. Ngoài ra, trang trại của anh còn tạo điều kiện giúp cho 5 lao động tại địa phương có công ăn việc làm ổn định qua việc phụ giúp chăn nuôi bò sữa. Trang trại của anh luôn duy trì đăng ký phấn đấu và đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tuy nhiên, theo anh Thuận, thời gian gần đây, nhất là từ cuối năm 2014 đến nay, người chăn nuôi bò sữa đã gặp không ít khó khăn do việc đánh giá chất lượng sữa của Công ty Vinamilk đặt ra các tiêu chí quá cao, nhất là về tế bào soma, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành của sữa. Người chăn nuôi bò sữa cũng phải đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh diễn biến bất thường, làm cho sinh sản bị hạn chế, tỷ lệ đậu thai kém. Do vậy, muốn tồn tại và phát triển bền vững, người chăn nuôi bò sữa phải đầu tư trang thiết bị, chuồng trại cao ráo, thoáng mát, bảo đảm vệ sinh, nâng cao chất lượng đàn bò. Bên cạnh đó, cần đầu tư máy quạt phun sương, máy chế biến thức ăn cho bò sữa theo đúng quy cách.
Để khắc phục những khó khăn về khoa học kỹ thuật, con giống, tài chính, theo anh Thuận, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ đến các hộ, trang trại chăn nuôi bò sữa nhằm cải thiện chất lượng giống cho năng suất cao, đáp ứng các chỉ tiêu trong thu mua sữa nguyên liệu. Hỗ trợ bảo đảm hộ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn ký hợp đồng tiêu thụ sữa ổn định với các đơn vcasthu mua.
Có chính sách hỗ trợ, giám sát chặt chẽ giá thành, chất lượng các loại nguyên liệu đầu vào như các loại thức ăn hỗn hợp, các loại phụ phế phẩm, vật tư chăn nuôi, thuốc thú y,… để giúp bà con nông dân có thêm điều kiện ổn định cuộc sống và phát triển đàn bò.
Giám sát việc áp dụng thực hiện đo lường, kiểm nghiệm các chỉ tiêu thu mua sữa của các công ty được rõ ràng, minh bạch. Nên có lộ trình siết chặt quản lý chất lượng sữa, không nên thực hiện đột ngột việc nâng cao tiêu chí làm cho người chăn nuôi chưa kịp thích nghi, dẫn đến tình trạng bị cắt hợp đồng hoặc giá thu mua sữa quá thấp, làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ, thậm chí dẫn đến phải ngừng sản xuất.