Ảnh minh họa. Nguồn: dangcongsan.vn
Nhờ chuyển đổi toàn bộ diện tích canh tác từ cây lúa một vụ sang lập vườn trồng cây ăn quả, kết hợp cất chuồng trại chăn nuôi dê, gia đình ông gia đình ông Lữ đã có thu nhập từ vườn và chăn nuôi gần 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Lữ lãi khoảng 150 triệu đồng.
Chia sẻ về ý tưởng chuyển đổi cây trồng trên vùng đất khó, ông Lữ tâm sự, gia đình ông canh tác trên diện tích 6,5 ha đất ở khu vực giáp với biển Đông, thường xuyên đối mặt thiên tai, hạn mặn và giông lốc. Không chịu đựng đói nghèo và hưởng ứng chủ trương nhà nước về chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Lư tìm tòi, nghiên cứu mô hình và cây con có khả năng áp dụng trong điều kiện sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Theo đó, ông Lữ lập vườn cây ăn quả trên miền đất nhiễm mặn và cất chuồng trại chăn nuôi dê.
Ông Lữ chọn cây dừa và con dê là những cây trồng vật nuôi chịu được hạn mặn và thời tiết khắt nghiệt ven biển quê ông. Đến nay, vườn dừa đã 7 năm tuổi và đang cho thu hoạch với năng suất ổn định cao, trừ một ít diện tích dừa mới trồng gần đây dự kiến năm tới sẽ cho trái. Để bảo đảm thành công với vườn dừa, ông chú trọng áp dụng kỹ thuật được hướng dẫn, từ khâu làm đất, lên mô, mật độ trồng, chăm sóc,… Trung bình, mỗi ha dừa trồng được từ 160 - 180 gốc là hợp lý. Sau 6 năm tuổi, giống dừa ta bắt đầu cho trái chiến (trái bói) và những năm sau năng suất ổn định. Với cách làm trên, mỗi năm, doanh thu từ vườn dừa của ông đạt trên 230 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng.
Gần đây, thấy dừa đã lớn, tán vươn cao. Dưới tán dừa ông Lữ tận dụng đất trồng thêm sả tăng thu nhập. Ông Lê Công Lữ cho hay, trồng cây sả chỉ sau 5 tháng cho thu hoạch. Với 2,5 ha sả dưới tán dừa, dự kiến năng suất đạt được vào thời điểm thu hoạch sau tết không dưới 15 tấn/ ha. Giá sả hiện ở mức cao, gần 7.000 đồng/kg, trừ chi phí, người trồng lãi khoảng 4.000 đồng/kg. Như vậy, nếu tính trên 1ha sả, ông Lữ lãi 60 triệu đồng/ ha. Đây là một nguồn thu nhập đáng kể và cao gấp ba lần so với trồng lúa năng suất cao. Với 2,5 ha sả, ước tính khi đến vụ thu hoạch ông lãi 150 triệu đồng.
Vài năm nay, nhận thấy mô hình VAC có nhiều ưu điểm vượt trội, cùng với lập vườn trồng dừa kết hợp sả, ông Lữ đầu tư trên 130 triệu đồng làm chuồng trại dê. Hiện tổng đàn dê của ông lên đến 40 con. Ông nuôi giống dê bắc thảo có nhiều ưu điểm như: dễ nuôi, thích ứng vùng ven biển thiên nhiên khắc nghiệt, tăng trọng khá, chất lượng thịt ngon,…. Với đàn dê 40 con, mỗi năm ông thu nhập trung bình 50 triệu đồng tiền bán dê giống, dê thịt.
“Từ khi áp dụng mô hình lập vườn quả kết hợp chăn nuôi dê thích ứng biến đổi khí hậu, cuộc sống gia đình tôi ổn định, an tâm an cư lạc nghiệp”– ông Lê Công Lữ phấn khởi nói. Ông Lữ cũng cho biết, trung bình mỗi năm, Sang năm, khi sả đến kỳ thu hoạch thì lợi nhuận còn tăng thêm gấp đôi – Ông Lữ lạc quan cho biết.
Theo Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông, địa phương cũng đã xác định, dừa và dê là cây trồng và vật nuôi chủ lực cần được khuyến khích phát triển ở những địa bàn ven biển thường xuyên bị thiên tai gây hại như: Phú Đông, Phú Thạnh, Tân Thạnh…; trong đó, mô hình của ông Lê Công Lữ được nhân dân quan tâm học tập, áp dụng để đẩy nhanh công tác giảm nghèo nông thôn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn huyện phát triển diện tích vườn chuyên canh dừa lên gần 3.200 ha. Đa phần bà con lập vườn quả trồng dừa đều kết hợp chăn nuôi dê, bò, lợn và các đối tượng phù hợp khác lồng ghép theo mô hình VAC. Về dê, toàn huyện cũng đã có tổng đàn hàng chục ngàn con mang lại nguồn thu nhập khá cho những hộ dân nông thôn. Riêng ông Lê Công Lữ, với những thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo thích ứng với biến đổi khí hậu, đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen./.