Ảnh minh hoạ (Nguồn: sinhhocvietnam.vn)
Hải Dương là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chăn nuôi ở Hải Dương phát triển tương đối thuận lợi. Được sự quan tâm của Hội nông dân các cấp, năm 2000, gia đình ông Nguyễn Văn Thơm đã xây dựng trang trại chăn nuôi với diện tích gần 2 ha trên vùng đất chuyển đổi. Quy mô chăn nuôi của gia đình ông có trên 2.000 vịt đẻ trứng thương phẩm, 2.000 vịt hậu bị nuôi gối, trên 500 gà hậu bị giống Chọi Lương Phượng, ngoài ra trang trại còn sản xuất cá giống, cá thịt. Chỉ tính riêng đối với sản phẩm trứng vịt, hàng năm bình quân trang trại của ông sản xuất khoảng 60 vạn trứng, doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Theo ông, đạt được kết quả này là do gia đình ông nói riêng và nông dân địa phương nói chung thường xuyên được sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp hỗ trợ về vốn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trong sản xuất.
Với việc tham gia tổ liên kết chăn nuôi của xã Tân Trào do Hội Nông dân tổ chức, gia đình ông được mua thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc thú y với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Về con giống, ông nhập giống vịt và gà từ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương thuộc Viện Chăn nuôi. Trong quá trình sản xuất, các thành viên trong tổ liên kết luôn giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ nhau trong phòng chống dịch bệnh, liên kết cùng nhau tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi đều có kinh nghiệm sản xuất, áp dụng đúng quá trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Tuy nhiên, theo ông Thơm, người nông dân vẫn còn thiếu kiến thức chuyên sâu. Do đó, làm thế nào để giảm thiểu dịch bệnh, giảm tỷ lệ chết, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi, hạ giá thành sản phẩm vẫn là một bài toàn khó. Thị trường tiêu thụ cũng là vấn đề khó khăn, khi hiện nay các sản phẩm gia cầm được tiêu thụ chủ yếu qua thương lái, nên giá cả không ổn định. Nông dân chưa có thị trường ổn định để thực sự yên tâm sản xuất. Về nguồn vốn vay, nhìn chung còn khó tiếp cận từ các ngân hàng thương mại và lãi suất còn khá cao.
Một số nông dân và doanh nghiệp sản xuất thức ăn có chất cấm, gây nên tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi của nông dân hầu hết chưa xây dựng được thương hiệu, nên chưa tạo được sự ổn định cho các hộ sản xuất thực phẩm an toàn. Giá thành sản xuất các sản phẩm chăn nuôi còn cao.
Từ nửa cuối năm 2015 trở lại đây, do thịt gà ngoại nhập với số lượng lớn, giá rẻ, nên đã cạnh tranh mạnh với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Giá thịt gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương xuống mức rất thấp, nhiều hộ chăn nuôi gà công nghiệp siêu thịt không có lãi, đã phải giảm quy mô hoặc ngừng sản xuất. Giá gà thịt lông màu cũng xuống thấp, người chăn nuôi không có lãi, nên quy mô chăn nuôi gà lông màu cũng buộc phải thu hẹp.
Việc sản xuất con giống gà lông màu cũng gặp nhiều khó khăn, do giá giống xuống dưới giá thành. Do giá thịt gà giảm, đã gián tiếp tác động làm giảm giá trứng thương phẩm. Vì vậy, tình hình sản xuất chăn nuôi gia cầm gặp nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ nông dân yên tâm chăn nuôi gia cầm, theo ông Thơm, cần có biện pháp quản lý nâng cao chất lượng vật tư, con giống đầu vào của ngành chăn nuôi như thị trường thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y,… Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, buôn bán, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi sạch, an toàn để có thể xuất khẩu và nâng sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Giảm bớt các thủ tục phiền hà, phí và lệ phí, thực hiện theo thông lệ quốc tế trong các chứng nhận hàng hoá, kiểm dịch động vật. Kịp thời tạo điều kiện cho các sản phẩm chăn nuôi đủ điều kiện được lưu thông nhanh thóng, thuận lợi.
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hiện đại, sao cho giá thành sản phẩm ổn định, an toàn. Có chính sách hỗ trợ phát triển các cơ sở chế biến gia cầm, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Nâng cao chất lượng tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, đào tạo chuyên sâu nhằm tiến tới tạo được đội ngũ nông dân mới có kiến thức trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập. Tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa những nhà chăn nuôi với nhau, giữa những nhà chăn nuôi với các nhà cung ứng vật tư, thiết bị đầu vào, các nhà thu mua, chế biến sao cho thành khối thống nhất, tạo sự ổn định cho ngành chăn nuôi…