Hải Dương: Trồng cam - hướng đi mới của nông dân Cẩm Đoài

Thứ sáu, 18/12/2015 15:36
Với lợi nhuận cao gấp hơn 10 lần trồng lúa, hiện nay, cam đang là cây trồng đầy tiềm năng, được kỳ vọng sẽ là cây làm giàu cho nông dân xã Cẩm Đoài (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Ảnh minh họa. (Nguồn: vietnamnet.vn)

 

Tháng 12 đang là thời điểm vườn cam của gia đình ông Mai Xuân Sanh, thôn Hòa Bình, xã Cẩm Đoài bước vào kỳ thu hoạch rộ. Giá bán cắt tại vườn hiện là trên dưới 60.000 đồng/kg. Ông Sanh bắt đầu trồng từ năm 2008. Hiện nay, diện tích vườn cam của gia đình ông đã lên 1,1 mẫu. 

“Giai đoạn đầu mới chuyển đổi, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, kỹ thuật và đất trồng. Mặc dù vậy, mọi người trong gia đình đều đồng thuận, quyết tâm” - ông Sanh chia sẻ. 

Ông Sanh đi mua giống và học hỏi người dân vùng Văn Giang (Hưng Yên). Mấy năm đầu, cây còn nhỏ nên chưa năng suất nhưng gia đình ông không nản, tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc. 

Khoảng 3 năm gần đây, vườn cam của gia đình ông cho năng suất và sản lượng ngày càng cao, vụ cam năm 2015 này, vợ chồng ông ước tính sẽ thu hoạch được khoảng 4 tấn. Với mức giá thị trường hiện nay, vườn cam dự kiến sẽ mang lại lợi nhuận khoảng trên 200 triệu đồng. So sánh với lợi nhuận từ trồng lúa, ông Sanh nhẩm tính: “Nếu mỗi sào lúa, 1 năm thu được khoảng 2,4 triệu đồng thì 1 sào cam thu được 40 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi sào cam có lãi gấp hơn 10 lần trồng lúa. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu thì rất cao, chăm sóc cũng kỳ công hơn”. 

Gia đình ông phải đầu tư phân bón, hệ thống bơm tưới tự động. Để cải thiện chất đất, gia đình ông đã mua đất phù sa về đắp từng gốc cam. Phân bón cũng được chú trọng đặc biệt, ngoài phân lân, tùy giai đoạn sinh trưởng, phải bón thêm phân chuồng hoặc cám đỗ tương trộn với phân lân theo tỷ lệ thích hợp. Trước khi thu hoạch khoảng 2 tháng, không phun thuốc trừ sâu để đảm bảo an toàn. Ước tính, chi phí đầu tư cho mỗi sào cam từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 15 triệu đồng. 

Chia sẻ về dự định sản xuất trong tương lai, ông Sanh hồ hởi: “Nếu có đất, tôi muốn mở rộng thêm diện tích. Còn trước mắt, nguyện vọng của gia đình vẫn là làm sao để đầu ra cho quả cam được ổn định". 

Không riêng gia đình ông Sanh, ở Cẩm Đoài có khoảng 10 hộ cũng đã học hỏi, đầu tư và mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cam. Đó là gia đình ông bà Đoàn Thiện Ngân (thôn Quảng Cư) với gần 2 mẫu trồng cam, Nguyễn Văn Sáu (thôn Quảng Cư) có 1 mẫu, ông Đoàn Thanh Quyên (thôn Hòa Bình) với 6 sào… 

Với quy trình chăm sóc kỹ lưỡng và hiệu quả, cây cam đã bén rễ trên đất Cẩm Đoài. Cam Cẩm Đoài ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng với đặc điểm riêng như: tép cam vàng tươi, ăn vào có vị ngọt thanh... Mặc dù lấy giống từ đất cam Hưng Yên nhưng hiện nay giá cam Cẩm Đoài cao hơn, người tiêu dùng vẫn tới thu mua tận vườn với giá 60.000 đồng/kg. Tết năm 2015, giá cam lên đến 100.000 đồng/kg. Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng thương lái mua cam Cẩm Đoài về trộn lẫn với những loại cam rẻ tiền, chất lượng kém, rồi lấy mác cam Cẩm Đoài nhằm đánh lừa người tiêu dùng. 

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Đoài Phạm Đình Quảng cho biết, thời gian gần đây, trước thực tế trồng lúa mang lại thu nhập không cao, xã đã ban hành Nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động bà con đưa cây con mới có giá trị kinh tế cao về áp dụng. Cây cam bắt đầu được người dân trong xã đưa về trồng thử nghiệm từ khoảng những năm 2008. 

Anh Đoàn Thanh Quyên là người tiên phong trong mô hình mới này. Gia đình anh có người họ hàng ở Văn Giang, Hưng Yên chuyên trồng cam. Được người nhà hướng dẫn, anh Quyên đã mạnh dạn mang cây giống về trồng ở Cẩm Đoài. Từ đó, ngày càng nhiều hộ nông dân học tập cách làm của anh Quyên. Hiện nay, toàn xã có trên 3 ha trồng cam, tập trung ở thôn Hòa Bình và Quảng Cư. Hàng năm cứ đến mùa cam, thương lái, người tiêu dùng tìm tới tận vườn thu mua, chủ vườn ít khi phải mang ra chợ. 

Có thể thấy, việc thành công khi đưa cây cam về trồng trên đất Cẩm Đoài đã không những góp phần tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn hứa hẹn một hướng làm giàu mới cho người nông dân nơi đây. “Cẩm Đoài định hướng tiếp tục triển khai mở rộng diện tích cam trong thời gian tới. Xã đã giao cho Hội nông dân tập huấn thường xuyên cho hội viên nhằm giúp người dân nâng cao trình độ kiến thức kỹ thuật chăm sóc cam cho năng suất, sản lượng cao”, ông Phạm Đình Quảng chia sẻ./. 

Mạnh Minh/TTXVN

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực