Tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa

Thứ tư, 05/04/2017 16:40
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 ha lúa nhiễm sâu bệnh và sâu bệnh gây hại cho lúa đang có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: VOV

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Chi cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi Trạm Bảo vệ thực vật ở các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp kịp thời như: khoanh vùng phun trừ diện tích lúa xuất hiện bệnh đạo ôn và những diện tích đã phòng trừ nhưng hiệu quả thấp, còn xuất hiện vết bệnh; khoanh vùng diện tích gieo cấy giống nhiễm như BC15, Bắc thơm số 7, Séng cù, IR 64. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn cổ lá, tình hình thời tiết, vùng tiền dịch, gieo cấy giống nhiễm làm cơ sở dự báo, chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông giai đoạn trước và sau trổ bông; hướng dẫn nông dân kiểm tra, phát hiện bệnh sớm và phun trừ bệnh khô vằn; chú ý tại các vùng tiền dịch, thâm canh cao, gieo cấy giống nhiễm như huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tp. Điện Biên Phủ...

Khi bệnh bạc lá mới xuất hiện, ngành chức năng cần hướng dẫn nông dân ưu tiên áp dụng biện pháp chăm sóc, điều tiết nước hợp lý; sử dụng tro bếp, vôi bột rắc vào sáng sớm để hạn chế bệnh lây lan; theo dõi sát diễn biến tập đoàn rầy; hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng; chỉ phun trừ những diệt tích mật độ trên 1.000 con/m2, nhất là trên trà sớm - chính vụ. Ngoài ra, diễn biến các đối tượng bệnh đốm nâu, tiêm lửa, đen lép hạt, bọ xít dài, chuột... cũng cần được theo dõi chặt chẽ để có biện pháp hướng dẫn phòng trừ kịp thời.

Chi Cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên khuyến cáo người dân bón phân cân đối, nhất là thời điểm bón đón đòng; tăng cường bón phân kali; tránh bón thừa đạm; duy trì đủ ẩm trên ruộng, không để ruộng khô hạn giúp cây trồng sinh trưởng khỏe, tăng sức chống chịu.

Hiện tỉnh Điện Biên gieo cấy trên 9.000 ha lúa Đông Xuân, các trà lúa cực sớm, trà sớm đang giai đoạn làm đòng. Tổng diện tích lúa nhiễm bệnh toàn tỉnh là 1.985 ha với các bệnh phổ biến như: đạo ôn, khô vằn, bạc lá, tập đoàn bọ xít, đốm nâu, ốc bươu vàng, chuột... Trong đó, bệnh đạo ôn lá phát sinh diện rộng với diện tích nhiễm 650 ha, gây cháy cục bộ tại địa bàn huyện Điện Biên, Mường Lay, Mường Chà... Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, từ nay đến cuối vụ, các bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, tập đoàn rầy... tiếp tục tích lũy và có nguy cơ gia tăng cao, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng./.

Trịnh Xuân Tư/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực