Gò Công đưa cây màu xuống chân ruộng cho hiệu quả cao

Thứ ba, 14/03/2017 18:54
Để chủ động thích ứng điều kiện sản xuất khó khăn trong mùa khô hạn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, nông dân vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía đông tỉnh Tiền Giang tích cực chuyển đổi sản xuất theo hướng đưa cây màu xuống chân ruộng, tiết kiệm nguồn nước bơm tưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhân viên Xí nghiệp thủy nông Gò Công, Cụm thủy nông Xuân Hòa đo độ mặn 
nước bên ngoài cống. Ảnh: Hồng Nhung

Theo ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, vụ Đông Xuân 2016 – 2017, nông dân trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công gồm các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo trồng trên 5.300 ha màu và cây công nghiệp ngắn ngày các loại; trong đó, riêng cây màu trồng trên chân ruộng thích ứng biến đổi khí hậu thay cho cây lúa đạt gần 3.000 ha.

Ông Trần Văn Nhịn, cư ngụ tại ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây cho biết, gia đình ông canh tác 80 sào ruộng (tương đương 8.000 m2 đất). Nhiều năm nay, việc sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa gặp nhiều hạn chế, thiên tai hạn mặn đe dọa thiếu nước bơm tát, ông mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình canh tác 1 vụ lúa + 2 vụ màu. Hàng năm, tổng thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 80 triệu đồng, gấp ba lần trồng lúa độc canh trước đây.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cư ngụ tại xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình chuyên canh màu diện tích 5.000 m2 đất canh tác. Bà Hạnh cho biết, mỗi năm bà làm được 3 vụ màu. Tùy theo nhu cầu thị trường, bà chọn trồng luân vụ bầu, dưa leo, bí, đậu bắp, mướp… Hạch toán cho thấy, qua ba vụ trong năm đạt giá trị sản xuất khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 30 triệu đồng, lãi ròng 70 triệu đồng. Gia đình bà đã có của ăn của để, khấm khá lên sau dăm năm chuyển đổi sản xuất theo mô hình thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đánh giá, các mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng để thích ứng biến đổi khí hậu đều mang lại hiệu quả ưu việt hơn hẳn độc canh cây lúa. Một số cây màu chủ lực được địa phương ghi nhận như sau: cây ngô luân canh trên ruộng cho lợi nhuận tăng thêm trên 33,5 triệu đồng/ ha so với cây lúa, dưa hấu cho thu nhập tăng thêm trên 28 triệu đồng/ha so với cây lúa, cây rau màu thực phẩm cho thu nhập tăng thêm khoảng 45 triệu đồng/ ha so với cây lúa.

Tiền Giang cũng đã xây dựng Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng dự án ngọt hóa Gò Công; trong đó phấn đấu đến năm 2025 chuyển 100% diện tích sang canh tác 2 vụ lúa/ năm hoặc kết hợp luân canh lúa + màu theo cơ cấu cây trồng phù hợp thay cho cơ cấu 3 vụ lúa độc canh hiện nay./.

Minh Trí/TTXVN
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực