4 giải pháp giúp sản xuất hạt giống lúa lai F1 và duy trì, nhân dòng bố mẹ lúa lai vụ Đông Xuân 2015 -2016

Thứ năm, 23/06/2016 15:49
(ĐCSVN) – Liên quan tới Dự án “Sản xuất sản xuất hạt giống lúa lai F1 và duy trì, nhân dòng bố mẹ lúa lai vụ Đông Xuân 2015 -2016”, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã tổng kết 4 giải pháp kỹ thuật đã thực hiện, xem đó là kinh nghiệm để triển khai sản xuất hiệu quả.


Ảnh minh họa. (Tác giả: HNV)

Theo đó, từ việc triển khai của 11 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam và Đắc Lắc Hậu Giang và Cần Thơ, các biện pháp kỹ thuật áp dụng đã chứng minh tính hiệu quả của nó trong thực tiễn.

Thứ nhất, là việc quy hoạch đồng ruộng, đảm bảo khoảng cách ly: Cụ thể, tại các điểm sản xuất, các đơn vị đã bố trí diện tích nhân dòng bố mẹ cách đảm bảo cách ly hoàn toàn về không gian với ruộng sản xuất lúa đại trà đảm bảo yêu cầu về chất lượng trong sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng. Các đơn vị bố trí trên những diện tích nằm trong khu cách ly có tường ngăn, hoặc đồi núi ngăn cách như: Trung tâm thực hành, thực nghiệm của Viện nghiên cứu và phát triển cây trồng (NC&PTCT), Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Trại nhân giống tại Bát Xát của Trung tâm Giống NLN Lào Cai, Trại nhân giống lúa Thạnh Phú tại Huyện Cờ Đỏ tỉnh Cần Thơ của Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam. Hoặc bố trí cách ly thời vụ chênh lệch so với sản xuất hạt lai F1 và lúa đại trà như tại: Trại giống cây trồng Lâm Hà, Lâm Đồng của Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam.

Thứ hai, bố trí thời vụ gieo cấy các dòng bố, mẹ: căn cứ vào đặc điểm sinh trưởng, phát triển các dòng bố, dòng mẹ và quy luật thời tiết của từng vùng, các đơn vị sản xuất đã tính toán chặt chẽ lịch gieo cấy dòng bố, dòng mẹ phù hợp.

Đặc biệt đối với các dòng mẹ 2 dòng TGMS, yêu cầu chặt chẽ của việc duy trì được dòng mẹ TGMS cần phải bố trí thời vụ giai đoạn phân hóa đòng bước 5 đến trỗ phải có nền nhiệt độ giao động từ 20o C đến dưới 24 oC. Để thực hiện được việc này, cần xác định thời gian sinh trưởng của từng dòng, nghiên cứu diễn biến thời tiết khí hậu tại vùng sản xuất trong nhiều năm, bố trí lịch gieo cấy chặt chẽ, đúng thời điểm để khi lúa phân hóa đòng đến trỗ có điều kiện tốt nhất.

Theo đó, trong vụ Đông Xuân, cần phải nghiên cứu kỹ diễn biến nhiệt độ trong nhiều năm để bố trí lúa trỗ vào thời điểm: đầu tháng 4 đến trung tuần tháng 4 tại miền Bắc. Trên cơ sở đó, năm 2016, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng điều chỉnh dòng 103 S trỗ vào 5-15/5, thời tiết thuận lợi, cây mẹ hữu dục và đạt năng suất cao ước trên 2,5 tấn/ha. Còn tại Miền Trung, Tây Nguyên bố trí thời vụ cho dòng mẹ TGMS trỗ vào trung tuần tháng 2, thu hoạch vào đầu tháng 3 an toàn và đạt năng suất cao. Đơn cử, vụ Đông Xuân 2015-2016, Công ty TNHH Cường Tân phối hợp với Viện NC&PTCT – Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, tổ chức nhân dòng tại Đăc Lăk rất thành công. Dòng T1S-96 thu hoạch vào ngày 1 tháng 3 đạt năng suất bình quân 3,3 tấn/ha.

Thứ ba, kỹ thuật chăm sóc, điều chỉnh sinh trưởng, phát triển: Đối với dòng TGMS, điều chỉnh hữu dục: khi lúa đứng cái, và chuyển mầu, xuất hiện lá thắt eo, tiến hành bóc đòng trên nhánh chính để theo dõi quá trình phân hóa và dự đoán giai đoạn cản ứng có trùng với khoảng thời gian có nhiệt độ từ 20 đên <24 oC hay không. Nếu quá trình phân hóa đòng sớm hoặc muộn hơn dự tính phải tiến hành điều chỉnh ngay bằng biện pháp kỹ thuật (tưới nước, bón phân, phun hóa chất chuyên dùng…) nhằm kìm hãm hoặc thúc đẩy quá trình phân hóa đòng đúng thời điểm.

Nếu giai đoạn cảm ứng gặp nhiệt độ cao làm cho dòng TGMS chuyển thành bất dục, sử dụng nước lạnh có nhiệt độ thấp hơn 21oC xử lý giảm nhiệt độ trong ruộng xuống dưới 24oC. Mức nước lạnh tưới sâu 10-12 cm.

Đối với các dòng mẹ CMS, việc điều chỉnh sinh trưởng, phát triển để bố mẹ trỗ trùng khớp cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ:  bố trí thời vụ gieo cấy, sử dụng phân bón đơn (đạm, lân, ka ly) và các hóa chất chuyên dùng (MET, Điều hoa bảo), điều tiết nước hợp lý để để điều chỉnh sinh trưởng, phát triển của các dòng bố, dòng mẹ.

Thứ tư, kiểm soát chất lượng hạt giống bố mẹ. Trong đó, thường xuyên tổ chức khử lẫn theo đúng quy trình, đúng thời điểm, loại bỏ hoàn toàn các cây khác dòng, cây lẫn tạp ngay từ sau khi cấy đến khi thu hoạch. Các thời điểm khử lẫn, kiểm định đồng ruộng cần thực hiện theo đúng quy trình.

Thêm nữa, trong sản xuất nhân dòng bố mẹ: tỷ lệ tự thụ của mẹ CMS khoảng 0,1% theo kinh nghiệm của cán bộ kỹ thuật  Công ty CP giống cây trồng Miền Nam tại Lâm Hà, Lâm Đồng: cần quan sát đồng ruộng và khử lẫn ngay khi phát hiện màu sắc của bông lúa khi trỗ. Thao tác này đòi hỏi phải có kinh nghiệm và thực hiện đúng thời điểm sẽ đảm bảo chất lượng của dòng bố mẹ.

Đồng thời tiến hành khử lẫn ngay sau khi kết thúc kéo phấn 5-7 ngày để kiểm soát chất lượng.

Ngoài ra, xử lý gặt bố sớm ngay khi bông lúa bước sang giai đoạn chín sữa đến vào chắc, tranh để quá muộn sẽ gây lẫn tạp cơ giới hoặc rơi vãi ra ruộng ảnh hưởng tới vụ sau. Trong thực tế, khi triển khai, Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam cũng đã tiến hành hủy toàn bộ cây bố sau khi kết thúc gạt phấn để đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, tất cả các ruộng sản xuất dòng bố mẹ phải được kiểm định theo đúng yêu cầu quy định trước khi thu hoạch.

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực