Cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa tại Bình Định (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)
Về kết quả thực hiện chính sách chuyển đổi cây trồng cạn, diện tích chuyển đổi trên đất lúa và đất màu kém hiệu quả năm 2014 đạt 5.433ha, trong đó chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn 2.971ha; chuyển đổi cây trồng cạn, lạc, rau màu trên đất lúa 2.462ha. Vụ Đông Xuân 2014-2015, trên địa bàn tỉnh thực hiện được 225 cánh đồng mẫu lớn, vụ Thu thực hiện 182 cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng tiên tiến, trong đó có 29 cánh đồng mẫu lớn thực hiện chuỗi giá trị sản xuất lúa giống liên kết với 17 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Với việc sản xuất 2 vụ lúa/năm, năng suất lúa bình quân đạt 73,08 tạ/ha, doanh thu bình quân 57,735 triệu đồng/ha. Đây là chuỗi sản xuất ngành hàng đạt hiệu quả nhất của tỉnh Bình Định hiện nay. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ lạc thành phẩm tươi. Năng suất lạc tươi đạt bình quân 97,4 tạ/ha, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của doanh nghiệp bao tiêu, giá bán trung bình 11.000 đồng/ha, lợi nhuận trung bình gần 57 triệu đồng, cao hơn 12 triệu đồng so với ngoài mô hình.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Dự án sinh kế nông thôn bền vững kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường, triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Định, tỉnh đã và đang hình thành vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng VietGAP với quy mô trên 13ha tại một số Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Các HTX này tổ chức cho nông dân sản xuất rau sạch theo hướng VietGAP với sản lượng bình quân 1.500 tấn/năm và tổ chức tiêu thụ thường xuyên tại các siêu thị; các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh với số lượng bình quân 1.250 tấn/năm, lợi nhuận bình quân của các hộ sản xuất rau an toàn tăng lên bình quân 25% so với hộ không sản xuất rau an toàn.
Về sản xuất lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao bằng công nghệ nuôi cấy mô với quy mô 10 triệu cây/năm. Đồng thời, các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất cây giống lâm nghiệp cũng liên kết sản xuất, cung ứng kinh doanh cây giống lâm nghiệp bằng công nghệ giâm hom với năng suất 180 triệu cây giống/năm. Hoạt động tổ chức tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên tiêu thụ với số lượng lớn.
Về thủy sản, nhằm phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Định, thời gian qua tỉnh Bình Định và Hội hữu nghị Nhật – Việt đã thống nhất hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết khai thác, thu mua và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản. Đồng thời, về chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh, được sự hỗ trợ của địa phương về cơ chế cho thuê đất, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đang đầu tư xây dựng nhà xưởng để tổ chức sản xuất tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh với quy mô 110ha, chi phí sản xuất ban đầu khoảng 10 tỷ đồng/ha, sản xuất 3 vụ/năm với số ngày nuôi 110-115 ngày/vụ. Năng suất đạt trên 60 tấn/ha/vụ, cao hơn nuôi tôm thẻ chân trắng bình thường như hiện nay gấp 8 lần, lợi nhuận bình quân 43%/doanh thu.
Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kết quả thực hiện các chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát huy hiệu quả, tạo đà cho sản xuất của ngành phát triển thời gian tới. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kịp thời sản xuất nông nghiệp đạt kết quả qua các năm. Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát chặt chẽ và khống chế, dịch bệnh nuôi trồng thủy sản được hạn chế đáng kể.
Mặt khác, tỉnh đã chuyển giao kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hộ nông dân, thường xuyên bổ sung vào sản xuất các loại giống lúa mới, mở rộng diện tích lúa lai, các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), tưới tiêu nước tiết kiệm. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác đầu tư các chương trình, dự án cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn bằng các nguồn vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư khác.
Tuy nhiên, công tác triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Trong đó, thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của ngành, nhất là tình trạng thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật còn xảy ra một vài nơi, công tác quản lý kinh doanh giống cây trồng, vật tư, phân bón, hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập. Sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thời gian qua chưa bền vững, giá cả sản phẩm nông sản thất thường. Chất lượng sản phẩm một số cây trồng, vật nuôi còn chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường; đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chưa bền vững.
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo UBND tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2016-2020, ngành sẽ triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, về trồng trọt, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, nguồn nước tưới bấp bênh; tăng cường công tác bảo vệ thực vật, an toàn dịch bệnh vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Triển khai xây dựng và trình duyệt, tổ chức thực hiện các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt và đề án phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020.
Về chăn nuôi, giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất và nước từ chất thải chăn nuôi, tăng cường quản lý vùng nuôi an toàn về môi trường, dịch bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững; triển khai thực hiện có hiệu quả đề án bò thịt chất lượng cao. Tập trung kết hợp đầu tư các nhà máy, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm chăn nuôi trên phạm vi cả tỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt để đẩy mạnh đầu ra tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cho nông dân.
Về thủy sản, tích cực triển khai thành công mô hình khai thác, thu mua, sơ chế và xuất khẩu cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản để xuất khẩu; tổ chức thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh, nuôi tôm trong nhà kính tại khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các nhà máy chế biến thủy sản tại các khu chế biến thủy sản tập trung. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, chế biến sản phẩm để xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm.
Về lâm nghiệp, phối hợp với địa phương tuyên truyền các chủ rừng thường xuyên vệ sinh, thu gom vật liệu dưới tán rừng để đảm bảo phòng tránh cháy rừng, nhất là thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài; kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố cháy rừng, hạn chế số vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật và các vụ cháy rừng xảy ra ở mức thấp nhất. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và trình phê duyệt xong các quy hoạch cây gỗ lớn, đề án chuỗi sản xuất, kinh doanh cây gỗ lớn và cây dược liệu dưới tán rừng để triển khai thực hiện kịp thời phát huy hiệu quả. Tiếp tục trình điều chỉnh quy hoạch trồng rừng ngập mặn; hoàn thành các chỉ tiêu về trồng rừng, khoán quản lý, bảo vệ rừng và đảm bảo đạt chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng./.
BT