Công tác phát triển cây dược liệu cần được quan tâm hơn nữa để khai thác
lợi thế tiềm năng cho ngành sản xuất thuốc chữa bệnh (Ảnh minh họa: BT)
Nguồn cây dược liệu dồi dào Do điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa lý, địa hình và đất đai thuận lợi nên nguồn tài nguyên thực vật ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Ngoài những loài cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp có giá trị tiêu dùng và giá trị xuất khẩu cao, các loại cây dược liệu ở Việt Nam có mặt khắp các địa phương trong cả nước đã được chế biến sử dụng làm thuốc quý trong điều trị và tăng cường sức khỏe cho con người.
Theo Bộ NN&PTNT, ở nước ta có khoảng 4.000 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc, trong đó, nhiều loài bản địa và nhập nội đã được phổ biến rộng trong sản xuất như bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoa hòe,… Trong đó, chủ yếu hơn 70% là cây thuốc mọc tự nhiên, chỉ khoảng gần 30% là cây thuốc được đầu tư gieo trồng và chăm sóc.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trong cả nước, hiện nay, tổng diện tích cây dược liệu tự nhiên và gieo trồng có khoảng 15.000 ha, trong đó, diện tích cây dược liệu dài ngày khoảng 10.000ha, dược liệu ngắn ngày khoảng 5.000ha. Nguồn cây thuốc từ tự nhiên mỗi năm cung cấp khoảng 20.000 tấn. Bên cạnh đó, đang tồn tại nhiều loài dược liệu khác được thu hái, sử dụng tại chỗ trong cộng đồng nhưng chưa được thống kê cụ thể.
Về tình hình nghiên cứu, hiện nay đã xây dựng mạng lưới bảo tồn cây thuốc trong cả nước trên 7 vùng sinh thái nông nghiệp, 9 vùng sinh thái lâm nghiệp. Mạng lưới bao quát từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp sử dụng và sản xuất dược liệu với hơn 700 loài cây thuốc. Từ nguồn dược liệu này, nhiều loài cây thuốc đã được sử dụng để chiết tách các hoạt chất làm thuốc như rutin từ hoa hòe, berberin từ vàng đắng, tinh dầu từ bạc hà,…Từ các dược liệu đã sản xuất nhiều loại thuốc có giá trị chữa bệnh.
Chưa được quan tâm đúng mức
Trên thực tế, nhu cầu sử dụng các thuốc, thực phẩm chức năng được bào chế từ các cây dược liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng, nên nhu cầu sử dụng cây dược liệu rất lớn, dẫn đến việc khai thác mang tính tận thu đối với cây dược liệu khá phổ biến. Việc khai thác liên tục trong nhiều năm không chú ý tới bảo vệ, duy trì, tái sinh, cùng với đó là tổ chức nghiên cứu, sản xuất cây dược liệu chưa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đúng mức đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu ngày càng giảm sút nghiêm trọng về thành phần loài, số lượng; một số loại có nguy cơ tuyệt chủng.
Thêm vào đó, hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung vào việc khai thác nguồn tài nguyên cây thuốc sẵn có trong tự nhiên, số doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu tập trung chưa nhiều. Chưa tập trung đúng mức vào một số công việc như công tác nghiên cứu, chọn tạo, công nhận và bảo hộ giống; các đề tài, dự án đối với việc nghiên cứu, chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển cây dược liệu vẫn còn ít được quan tâm. Chưa có sự phối hợp trong công tác nghiên cứu, phát triển cây dược liệu giữa các ngành y tế và nông nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu hoặc nguyên liệu không đảm bảo chất lượng.
Thêm nữa, do vốn đầu tư ban đầu cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiêp đầu tư thu mua nền người dân chưa yên tâm sản xuất. Đồng thời cơ sở hạ tầng còn thiếu, ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ nên chưa hình thành được vùng sản xuất dược liệu tập trung áp dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Khuyến khích hình thành các vùng dược liệu tập trung
Theo Bộ NN&PTNT, để tạo điều kiện phát triển ngành dược liệu, tiến tới tự chủ sản xuất thuốc trong nước và tham gia thị trường khu vực và thế giới, cần thiết triển khai các giải pháp thiết thực. Trong đó, các tỉnh căn cứ Quyết định số 1976/2013/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của địa phương. Trong quy hoạch phát triển kinh tế rừng cần lồng ghép với bảo tồn, phát triển sản xuất cây dược liệu.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu chọn tạo, khôi phục các giống cây dược liệu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về canh tác, khảo nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với cây dược liệu. Công tác khai thác phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với công tác bảo tồn, duy trì nguồn gen cây dược liệu. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch và chế biến cây dược liệu.
Về tổ chức sản xuất, tạo liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, chính quyền địa phương cần xây dựng, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu các loài cây thuốc theo quy hoạch, đặc biệt đối với những loại dược liệu đang có nhu cầu lớn phù hợp với điều kiện sinh thái và địa lý của từng địa phương. Tổ chức, đào tạo, tập huấn cho người dân sản xuất kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến, bảo quản nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất cho người dân và chất lượng dược liệu. Thêm vào đó, tổ chức xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cây dược liệu; ưu tiên việc sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo dược, thuốc do các công ty trong nước sản xuất trong điều trị tại bệnh viện, cơ sở y tế.
Về cơ chế chính sách, xây dựng các chính sách phù hợp với công tác phát triển dược liệu như hỗ trợ đầu tư về tín dụng, vay vốn, cơ sở vật chất, hỗ trợ giống và kỹ thuật, công nghệ,…cho người sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến cây dược liệu. Các địa phương có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần tăng cường công tác khuyến nông cho cây dược liệu theo hướng chuyển giao kỹ thuật cho hộ nông dân. Tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; khuyến khích các hộ nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung, chuyên canh thuận lợi cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong vùng quy hoạch./.