Với đặc thù tỉnh miền núi, địa hình phức tạp chia cắt, độ dốc lớn, đất canh tác phân tán, rải rác, vì vậy, Cao Bằng gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch dân cư thành xóm tập trung; khó bố trí khu trung tâm xã để xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là việc lấy đủ diện tích đất để xây dựng các công trình theo tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; khó phân vùng sản xuất và quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi.
Tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 40 xã đạt từ 1-4 tiêu chí, 118 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 14 xã đạt 10-14 tiêu chí, 3 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 2 xã đạt 19 tiêu chí. Những số liệu cho thấy số xã đạt cao các tiêu chí NTM vẫn còn ở mức hạn chế.
Nguyên nhân của kết quả trên có thể thấy, mục tiêu của chương trình rất lớn với nhiều nội dung nhưng về cơ chế chính sách và cán bộ, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cơ sở chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, vì vậy nhiều huyện, xã còn lúng túng, chưa đáp ứng các yêu cầu của chương trình xây dựng đề ra. Trong đó, một số cán bộ cấp huyện, xã, trình độ năng lực còn hạn chế, vì vậy, khi chỉ đạo, triển khai Chương trình gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; chưa chủ động trong việc tổ chức thực hiện, đặc biệt trong công tác thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng Nông thôn mới.
Cùng với đó, mật độ dân cư thưa thớt dẫn đến việc huy động đóng góp của người dân sẽ rất lớn so với các vùng có dân cư tập trung, do vậy tốn rất nhiều kinh phí để thực hiện, từ đó làm tăng chi phí từ nguồn ngân sách. Quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn khi một bộ phận không nhỏ người dân còn thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM.
Với việc hình thành vùng trồng nguyên liệu, cây thuốc lá đem lại thu nhập khá ổn định
cho nông dân ở một số huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng (Ảnh: BT)
Bên cạnh những khó khăn chung đang phải tháo gỡ, Cao Bằng vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhằm không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Điều này có thể thấy rõ trong 5 năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tuy chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (lũ lụt, rét hại) tuy nhiên sản xuất nông nghiệp đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp như cây thuốc lá trên địa bàn huyện Hà Quảng, Hòa An, Thông Nông,… cây mía ở Phục Hòa, Thạch An, Hạ Lang, cây trúc sào ở Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thông Nông, cây sắn nguyên liệu tại các huyện,…Các vùng sản xuất đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 2,64%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2015 đạt trên 35 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so với năm 2010.
Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM, trong năm 2011, ngành đã hỗ trợ được 38 bộ máy cày, thành lập 13 tổ hợp tác tại 13 xã điểm. Từ năm 2013-2015 đã hỗ trợ được 704 con lợn nái Móng Cái cho 393 hộ gia đình. Năm 2015, triển khai mô hình sản xuất, tiêu thụ nếp hương Bảo Lạc, nếp Pì Pất Cao Bằng tại xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng và xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc nhằm thực hiện thí điểm mô hình liên kết 4 nhà “nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp”.
Trong công tác đào tạo nghề, tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 21.400 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo các hình thức trung, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng với gần 17.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Sau học nghề, đã có 11.381 lao động nông thôn tự tạo được việc làm, 367 lao động được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng, 54 người thành lập được doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác sản xuất, 529 hộ thoát nghèo, 121 hộ có thu nhập khá từ các nghề được học. Qua công tác đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật đã góp phần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hơn 5.000 cán bộ, công chức cấp xã, đào tạo trình độ trung cấp về chuyên môn cho 750 cán bộ cơ sở.
Với việc phát triển sản xuất, đào tạo nghề nông thôn đã từng bước góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 8,4 triệu đồng/người/năm, đến năm 2014 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 12,9 triệu đồng/người/năm.
Nhằm tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế sẵn có, trong giai đoạn 2016-2020, Cao Bằng phấn đấu đến năm 2020, số xã đạt chuẩn NTM là 20/177 xã, 72/177 số xã đạt trên 10 tiêu chí, 70/177 số xã đạt trên 6 tiêu chí. Nâng mức độ đạt chuẩn bình quân lên 12 tiêu chí/xã. Cùng với đó, phấn đấu thu nhập bình quân/người/năm đạt 26 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15% (giảm bình quân hàng năm trên 2%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 265 nghìn tấn/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 40 triệu đồng/ha.
Để đạt được kết quả trên, Cao Bằng xác định trong thời gian sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và các nguồn lực xã hội trong xây dựng NTM. Các cơ quan thông tin, báo chí tiếp tục phổ biến mục tiêu, nội dung các cơ chế, chính sách của Chương trình, rút kinh nghiệm và phổ biến những cách làm hay, các mô hình hiệu quả.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã đã đạt một số tiêu chí xây dựng NTM cần hoàn thiện chất lượng tiêu chí bền vững và tăng dần các tiêu chí khác, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, điều chỉnh Đề án xây dựng NTM phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch huyện và tỉnh. Huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có, áp dụng rộng rãi cơ chế hỗ trợ vật tư để người dân tự làm các công trình không yêu cầu kỹ thuật phức tạp.
Đặc biệt, ngành sẽ chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ưu tiên nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Mỗi xã chọn 1-3 cây, con, ngành nghề có triển vọng, quy hoạch cụ thể để tập trung phát triển sản xuất. Đồng thời, tổ chức chỉ đạo xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về nông thôn tham gia xây dựng NTM./.