Chủ động các giải pháp phát triển chăn nuôi hữu cơ

Thứ sáu, 14/04/2017 15:52
(ĐCSVN) - Chăn nuôi hữu cơ vẫn còn rất mới lạ đối với cộng đồng. Nhằm phát triển ngành này, theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cần ưu tiên cho hợp tác xã, tổ, đội liên kết chăn nuôi hữu cơ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Ảnh minh họa (Ảnh: HNV)

Chăn nuôi hữu cơ được hiểu là việc chăn nuôi sử dụng các nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thức ăn có thành phần biến đổi gen, không sử dụng thức ăn tăng trọng, kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, đồng thời đảm bảo quyền lợi động vật và bảo vệ môi trường, sinh thái.

Chăn nuôi hữu cơ vẫn còn rất mới lạ đối với cộng đồng. Hiện nay, trong ngành chăn nuôi đã có hai Trang trại bò sữa hữu cơ quy mô lớn được các tổ chức quốc tế công nhận. Đó là trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk và Trang trại bò sữa hữu cơ của TH True Milk.

Theo Cục Chăn nuôi, phát triển chăn nuôi hữu cơ cần dựa trên cơ sở chăn nuôi bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Đây sẽ là hướng đi chiến lược cho ngành chăn nuôi nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm có nguồn gốc động vật cho trên 90 triệu dân Việt Nam và hướng tới xuất khẩu.

Trong phát triển sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, theo Cục Chăn nuôi, ưu tiên đầu tiên là sữa và sản phẩm sữa; tiếp đến là mật ong và sản phẩm mật ong; thịt bò, thịt trâu, thịt dê hữu cơ, thịt lợn hữu cơ rồi đến sản phẩm thịt gia cầm và trứng hữu cơ. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện để sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trong nước có cơ hội phát triển, tạo động lực cho tái cơ cấu ngành chăn nuôi, theo Cục Chăn nuôi, cần ưu tiên áp dụng Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của ASEAN, áp dụng cho trồng trọt để sản xuất các loại ngũ cốc hữu cơ làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn hữu cơ cho vật nuôi. Đây là tiêu chuẩn phù hợp với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Lộ trình khả thi xây dựng các tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm theo thứ tự ưu tiên: sữa, mật ong, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt bò, trâu, dê và lợn hữu cơ trên cơ sở các tiêu chuẩn của IFOAM (Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ). Đồng thời, xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức trong ngành chăn nuôi, ưu tiên cho hợp tác xã, tổ, đội liên kết chăn nuôi hữu cơ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm hữu cơ cho thị trường trong nước và hướng tới các thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông về thuộc tính các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, quy trình sản xuất, chế biến và quy định chứng nhận tới cộng đồng, đặc biệt là người sản xuất, người tiêu dùng và người quản lý. Tăng cường đào tạo, tập huấn về chăn nuôi hữu cơ và thương mại sản phẩm chăn nuôi hữu cơ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại. Nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến các loại thức ăn hữu cơ cho vật nuôi theo nhóm năng lượng, nhóm protein, nhóm vitamin, nhóm khoáng vi lượng. Phát triển các loại thuốc và chế phẩm sinh học có nguồn gốc hữu cơ để áp dụng trong chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng quy trình an toàn sinh học và chọn tạo các giống vật nuôi kháng bệnh và thích ứng với điều kiện chăn nuôi hữu cơ.

Đặc biệt, tích hợp công nghệ thông tin và công nghệ viễn thám để kiểm soát diện tích trồng cây thức ăn hữu cơ cho chăn nuôi, kiểm soát cơ sở chăn nuôi hữu cơ nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hữu cơ. Nghiên cứu, phân tích nhằm đánh giá sự khác biệt về thuộc tính chất lượng, an toàn của sản phẩm chăn nuôi hữu cơ so với sản phẩm chăn nuôi cùng loại thông thường. Về phát triển thị trường, trước mắt ưu tiên cho thị trường xuất khẩu và sau đó cho thị trường trong nước. Kết hợp các sản phẩm trồng trọt hữu cơ với các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ để phát triển sản phẩm chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực