Đăk Lăk: Tái canh để phát triển cà phê bền vững

Thứ sáu, 19/02/2016 16:36
(ĐCSVN) – Hiện nay, cà phê là nguồn thu nhập lớn cho người dân và có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh Đăk Lăk. Đây cũng là cây trồng chủ lực được trồng ở hầu hết các huyện và thành phố, thị xã.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đăk Lăk, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 203.746 ha trồng cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm 192.471 ha, năng suất bình quân đạt 23,07tạ/ha, sản lượng 444.121 tấn. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất cà phê Đắk Lắk hiện nay chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Đến nay, chỉ có khoảng 10% diện tích cà phê do các doanh nghiệp quản lý là tập trung thành vùng chuyên canh, còn lại khoảng gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.

Không những thế, ngành sản xuất cà phê của tỉnh Đăk Lăk ngoài việc sản xuất quy mô nhỏ, diện tích tăng nhanh ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Cũng theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thì sản xuất cà phê của tỉnh vẫn còn phải đối mặt với một số khó khăn: vườn cây cà phê bị già hóa, năng suất thấp ngày càng tăng, diện tích trồng mới ở những nơi không bảo đảm cho cây cà phê phát triển hiệu quả, kém bền vững; sự suy giảm đất canh tác, suy thoái chất lượng đất, đất đai bị thoái hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh. Hiện tượng xói mòn, rửa trôi, khô hạn, sạt lở, đất bị chua ngày càng phổ biến hơn. Tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra làm giảm năng suất, mất sản lượng, có những diện tích bị hạn kéo dài, thiếu nước tưới đã làm mất trắng không cho thu hoạch và ảnh hưởng nghiêm trọng từ 2 đến 3 vụ tiếp theo. Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, trái quy luật, mưa, bão, lũ lụt ngày càng bất thường. Trong điều kiện thời tiết, khí hậu có nhiều biến đổi, tình trạng sâu bệnh hại có chiều hướng gia tăng cả chủng loại và cấp độ. Biến động giá cả cà phê, vật tư đầu vào các loại, chi phí vận chuyển liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp người sản xuất. Thiếu lao động, nhất là thời kỳ vào vụ thu hoạch.

Triển khai chương trình tái canh để phát triển cà phê bền vững

Để thực hiện chương trình tái canh cà phê của tỉnh đạt hiệu quả, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 trong đó xác định diện tích cà phê ổn định đến năm 2020 là 170.000 ha, sản lượng 430.000 tấn. Ngày 25/4/2014, UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định số 850/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2013-2020.

Theo kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2013-2020 được UBND tỉnh phê duyệt, tổng diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém cần tái canh từ năm 2013 – 2020 của tỉnh Đắk Lắk là 27.775 ha. Cụ thể chia ra các năm như sau: năm 2014: 3.758 ha; năm 2015: 4.423 ha; năm 2016: 3.497 ha; năm 2017: 3.769 ha; năm 2018: 4.259 ha; năm 2019: 4.110 ha; năm 2020: 3.959 ha. Bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 ha cần tái canh.

Kết quả thực hiện tái canh: từ năm 2011-2015 đã thực hiện được 13.470ha diện tích cà phê tái canh, trong đó năm 2011 tái canh 1.829 ha, năm 2012: 2.644 ha, năm 2013: 2.233 ha, năm 2014: 3.339 ha, năm 2015: 3.425 ha.

Được biết, để thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững, UBND tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả chủ yếu trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020. Trong đó diện tích cà phê đến 2015 là 180.000, sản lượng 450.000 tấn. Đến năm 2020 diện tích ổn định là 170.000 ha, sảnlượng 430.000 tấn; phê duyệt kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2013-2020.

Hiện nay, Sở NN& PTNT cũng đang thực hiện rà soát, đanh giá, xây dựng Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Khắc phục tồn tại, chung sức triển khai chương trình cà phê bền vững

Tái canh cà phê để phát triển bền vững (Ảnh: HNV)

Trong thời gian qua, sự liên kết “bốn nhà” nhất là liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu cà phê còn mang tính tự phát, vai trò của doanh nghiệp, các đơn vị khoa học còn hạn chế. Sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún chưa có những đầu mối hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê vì thế thiếu tính ổn định, bền vững lâu dài.

Sự quan tâm chỉ đạo chưa nhịp nhàng, thiếu sự gắn kết đã tạo nên sự rời rạc trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Một số chính sách đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Khâu chế biến còn nhiều bất cập. Mối liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ không được gắn kết chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trên địa bàn chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu.

Giá thu mua như hiện nay không khuyến khích được người sản xuất cà phê sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, vì giá chênh lệch giữa phẩm cấp cà phê tốt, xấu không rõ ràng.

Do đó, Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ cà phê ngay từ đầu vụ cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất cà phê và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê khi giá cà phê xuống thấp.

Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở như: Xây dựng hệ thống giao thông nội đồng; đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thủy lợi trong vùng quy hoạch cà phê bền vững của tỉnh.

Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ trồng tái canh cây cà phê: Ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như: quy hoạch, kế hoạch; xây dựng vườn ương, nhân giống; hỗ trợ cây giống; hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đào tạo cán bộ quản lý; hỗ trợ lãi suất cho vay trong thời gian ân hạn, cấp bù lãi suất hoặc tái cấp vốn cho Ngân hàng Thương mại bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho chương trình tái canh.

Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ nông dân cải tạo những diện tích cà phê có chất lượng không đồng đều, năng suất thấp kém hiệu quả.

Hỗ trợ kinh phí trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Đắk Lắk, xúc tiến thương mại, tham dự các các hội chợ ngành hàng cà phê tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu trực tiếp cho sản phẩm cà phê.

Đặc biệt, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có đủ vốn để cung ứng cho các doanh nghiệp thu mua cà phê kịp thời ngay từ đầu vụ theo nhu cầu của người dân.

 

Hà Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực