Lạm dụng thuốc BVTV là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nông nghiệp (Ảnh: HNV)
Nhiều kết quả đạt được Qua 5 năm thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp nông thôn, ngành BVTV đã tiến hành điều tra các loại thuốc, bao gói thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu cần tiêu hủy, các kho lưu chứa thuốc BVTV không đạt tiêu chuẩn cần xử lý của các đơn vị sự nghiệp, cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường tham gia dự án UNDP/GEF “xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất bảo vệ thực vật khó phân hủy POP tồn lưu tại Việt Nam”, nhằm nâng cao năng lực quốc gia trong việc loại trừ hóa chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm hữu cơ tồn lưu khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường ở nước ta.
Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp tổ chức chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường” với sự tham gia của nông dân ở 22 tỉnh, thành phía Nam đạt nhiều kết quả trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân và cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ngành còn lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình hoạt động thường xuyên như: chương trình thâm canh lúa cải tiến, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 6 giảm”. Các chương trình đã góp phần bảo vệ môi trường như tiết kiệm nước, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm phát thải khí nhà kính. Cho đến nay, hệ thống canh tác lúa cải tiến đang áp dụng tại 29 tỉnh với 1.300.000 nông dân tham gia với diện tích 322.951 ha; chương trình áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 6 giảm” đã có 150.671 nông dân tham gia với trên 588.078 ha.
Thêm vào đó, các hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học được chú trọng; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ các sinh vật có ích trong hệ sinh thái nông nghiệp, lợi ích của bảo tồn đa dạng sinh học trong các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả; bảo tồn và sử dụng có hiệu quả nguồn gen giống lúa, giảm lượng nước sử dụng.
Thu gom vỏ thuốc BVTV vẫn còn hạn chế
Tuy nhiên, theo Cục Bảo vệ Thực vật, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đang là biện pháp chính trong bảo vệ mùa màng, bên cạnh những mặt tích cực, thuốc BVTV cũng đem lại những mặt tiêu cực. Một trong những mặt tiêu cực là làm ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên do chỉ dùng thuốc hóa học do vừa rẻ vừa thấy hiệu quả tức thì, bỏ qua khuyến cáo về sử dụng thuốc BVTV sinh học và các biện pháp phòng trừ tổng hợp để hạn chế dịch hại; sử dụng không tuân thủ các nguyên tắc, phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một lần phun, phun quá nhiều lần/vụ, phun không đúng nồng độ - liều lượng khuyến cáo, dụng cụ phun không đảm bảo gây ra tình trạng lãng phí thuốc, mất an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thực trạng vỏ bao gói thuốc sau khi sử dụng không được thu gom, thuốc thừa đổ bừa bãi vào dòng chảy, đất gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nông nghiệp. Hiện nay mới chỉ có số ít nơi tổ chức thu gom bao gói thuốc sau sử dụng. Phần lớn các hoạt động thu gom trong thời gian qua đều có hỗ trợ của các dự án và của nhà nước nên khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động thu gom cũng mất dần. Một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom nhưng do chưa xác định rõ mức thu phí, cơ chế vận hành nên còn lúng túng và khó duy trì bền vững. Cùng với đó, do thiếu công nghệ làm sạch và tiêu hủy bao gói thuốc sau thu gom, đa số lượng bao gói thuốc sau thu gom đều được chôn lấp hoặc đốt chung với rác thải sinh học khi chưa được làm sạch thuốc BVTV.
Mặt khác, một số tỉnh chưa chủ động nguồn kinh phí để xử lý thuốc và bao gói thuốc BVTV sử dụng mà chờ kinh phí ở Trung ương hoặc Bộ chủ quản, hỗ trợ hoặc cấp nên công tác tiêu hủy thuốc, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng hiệu quả chưa cao.
Khuyến khích sử dụng công nghệ sạch trong hoạt động BVTV
Nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2020, theo Cục Bảo vệ Thực vật, ngành cần đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, giảm sử dụng thuốc BVTV, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, từng bước giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Loại bỏ thuốc BVTV độc hại, thực hiện nghiêm chế độ đăng ký hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là hóa chất độc hại.
Thêm vào đó, tiếp tục thực hiện Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm nông nghiệp thải bỏ, tham gia xây dựng khung pháp lý về tái chế, tái sử dụng chất thải nông nghiệp, thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, hết hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Tham gia và hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ bảo vệ thực vật./.
BT