Đẩy mạnh hiệu quả sản xuất các cây trồng chủ lực trong năm 2018

Thứ tư, 31/01/2018 17:21
(ĐCSVN) - Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2017, thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới sản xuất trồng trọt cả nước. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vươn lên, ngành trồng trọt đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

 

Trong năm 2018, ngành trồng trọt tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả sản xuất các cây trồng chủ lực (Ảnh: HNV)

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,23%, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, sản xuất trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh theo hướng giảm diện tích một số cây hàng năm có hiệu quả thấp. Trong đó có thể kể đến như: lúa giảm 26,1 nghìn ha, ngô giảm trên 52 nghìn ha, cây công nghiệp ngắn ngày giảm trên 30 nghìn ha. Tăng diện tích một số cây trồng có thế mạnh như: cây ăn quả (tăng 52,5 nghìn ha), rau (tăng 29,5 nghìn ha), cà phê (tăng 14,1 nghìn ha), hồ tiêu (tăng 22,7 nghìn ha).

Về kết quả áp dụng VietGAP, tính đến ngày 25/12/2017, đã có 1.539 cơ sở có Giấy chứng nhận VietGAP đang còn hiệu lực. Trong đó cà phê 100 ha, chè 1.699,95 ha; lúa 1.566,23 ha, cây ăn quả 13.476,81 ha.

Trong năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 5,89 triệu tấn, đạt 2,66 tỷ USD, tăng 22,4% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Với mặt hàng cao su, khối lượng xuất khẩu năm 2017 ước đạt 1,39 triệu tấn, đạt 2,26 tỷ USD, tăng 11% về khối lượng và tăng 35,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, nổi bật là giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả, ước cả năm đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, triển khai sản xuất rải vụ 5 loại cây ăn quả chủ lực ở các tỉnh phía Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Diện tích canh tác xoài của 5 tỉnh (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ) đạt 22.075 ha, với tổng sản lượng là 282.955 tấn, trong đó, diện tích rải vụ thu hoạch chiếm 30%, cung cấp 29% sản lượng. Tổng diện tích cho sản phẩm của nhãn ở 6 tỉnh sản xuất rải vụ (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ) là 21.445 ha, cho sản lượng 218.760 tấn, trong đó, 35% sản xuất rải vụ, cung cấp 34% sản lượng.

Đến nay, diện tích thanh long Việt Nam có trên 40.000 ha, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh: Bình Thuận (26.700 ha), Long An (7.300 ha), Tiền Giang (5.000 ha). Trong đó, diện tích thu hoạch chiếm khoảng 29.700 ha, ước đạt sản lượng 950.000 tấn và 60% diện tích thực hiện rải vụ thu hoạch.

Thực hiện mở rộng sản xuất theo cánh đồng lớn, hiện nay mô hình này đã được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo xây dựng. Nhiều địa phương chỉ đạo gắn xây dựng cánh đồng lớn với dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại đồng ruộng và xây dựng nông thôn mới. Tại các tỉnh phía Bắc, tổng diện tích áp dụng mô hình cánh đồng lớn trong vụ Đông Xuân 2017 đạt 41,6 nghìn ha với 873 điểm triển khai cánh đồng lớn. Vụ Hè Thu, vụ Mùa 2017 các tỉnh phía Bắc có 1.341 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 56.983 ha, tăng so với cùng kỳ khoảng 5.950 ha.

Theo Cục Trồng trọt, trong năm 2018, ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; tập trung chỉ đạo và định hướng sản xuất một số sản phẩm chủ lực.

Trong đó, để thực hiện mục tiêu, ngành hướng đến giải pháp tổ chức lại sản xuất của các hộ nông dân theo hướng quy mô lớn (cánh đồng lớn), tăng cường sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp (sản xuất, tiêu thụ) tạo thành các chuỗi ngành hàng. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các loại giống cây trồng có chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện bất thuận của môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng hóa thị trường. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: tưới, bón phân tự động, nhà kính, nhà lưới. Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và sản xuất bền vững như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,…Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng giống cây trồng, đặc biệt là giống cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả.

Đáng chú ý, với các cây trồng chủ lực sẽ có các giải pháp và kế hoạch sản xuất cụ thể. Với mặt hàng lúa gạo, triển khai sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao để nâng cao chất lượng, giá bán tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: quản lý dịch hại tổng hợp; 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm (nông- lộ- phơi). Tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo.

Với cây cà phê, ổn định 664 nghìn ha cà phê; phấn đấu tái canh, ghép cải tạo 15 nghìn ha, để đạt diện tích tái canh khoảng 110.000ha. Ổn định diện tích cây điều 300 ngàn ha, tiếp tục trồng tái canh và ghép cải tạo đối với diện tích điều già cỗi, sâu bệnh nhiều, giống không đạt yêu cầu và đẩy mạnh thâm canh để đạt năng suất khoảng 1,2 tấn/ha.

Với cây chè, tiếp tục giữ ổn định diện tích 130 nghìn ha, đẩy năng suất lên 89 tấn/ha, sản lượng trên 1 triệu tấn. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng thay thế các diện tích chè trung du trồng hạt sang các giống chè mới theo hướng chế biến chè xanh chất lượng cao. Tăng cường công tác an toàn thực phẩm trên cây chè trong đó chú trọng kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên chè.

Với cây ăn quả, rà soát quy hoạch, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây ăn quả, đảm bảo nguồn giống tốt phục vụ sản xuất. Tiếp tục trồng tái canh, thay thế diện tích cây ăn quả giống cũ, năng suất chất lượng thấp bằng các giống mới, phù hợp thị trường, có hiệu quả kinh tế cao. Đẩy mạnh sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo an toàn thực phẩm và thực hiện rải vụ thu hoạch trái cây, đặc biệt là 5 loại trái cây chủ lực vùng Nam bộ (thanh long, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn)./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực