(ĐCSVN) – Áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất lúa là 1 trong những mục tiêu quan trọng về phát triển nông nghiệp. Cơ giới hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động lúc mùa vụ khẩn trương và thời tiết bất thuận, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân...
Để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp nông thôn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, hiện tại và thời gian tiếp theo, các cấp, các ngành, địa phương có những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ để nông dân đầu tư mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất.
Thông tin này được đặc biệt nhấn mạnh tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Tổ chức dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt ở miền Bắc”. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa tổ chức ngày 15-9 vừa qua.
Thực trạng cơ giới hóa ở miền Bắc
|
Máy móc được áp dụng nhiều trên ruộng đồng ở Thanh Hóa trong vài năm trở lại đây (Ảnh: H.Thanh) |
Theo số liệu thống kê của Cục Chế biến, thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối (CB,TMNLTS&NM), so với các nước trong khu vực, mức độ cơ giới hoá nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, trang bị động lực bình quân đạt 1,2 CV/ha canh tác. Trong đó vùng ĐBSCL 1,85 CV/ha có mức độ trang bị động lực cao nhất toàn quốc; đồng bằng sông Hồng 0,85 CV/ha; thấp nhất vùng miền núi phía Bắc 0,39 CV/ha.
Tính chung, cả nước hiện nay có trên 400.000 máy kéo các loại sử dụng trong nông lâm thủy sản, trong đó sử dụng trong nông nghiệp chiếm 98,4%, với tổng công suất khoảng 5 triệu mã lực (CV), tăng 2,7 lần so với năm 2001. Trong đó máy kéo 2 bánh dưới 12 CV chiếm 67%, máy kéo trên 12 CV đến 35 CV chiếm 27%, máy kéo lớn (trên 35 CV) chiếm 6%. Cơ giới hoá chủ yếu trong trồng lúa và tập trung ở các khâu khâu làm đất, tưới tiêu, tuốt đập và vận chuyển. Khâu gieo cấy, chăm sóc chủ yếu vẫn làm thủ công.
Mức độ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có 1 số vấn đề, cụ thể: Đối với các tỉnh phía Bắc, do điều kiện địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, cơ sở hạ tầng về thuỷ lợi chưa hoàn toàn chủ động, ruộng nhỏ lẻ, manh mún, bình quân diện tích mỗi mảnh ruộng chỉ tăng từ 1 sào/mảnh lên 3 sào/mảnh (360 m2/sào) việc dồn điền đổi thửa còn rất chậm, sản xuất tự phát theo phương thức tiểu nông, không quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung nên chưa thể áp dụng cơ giới hoá đồng bộ.
Công nghệ chế tạo máy trong nước còn nhiều hạn chế, chủng loại máy còn nghèo nàn, chất lượng máy còn ở mức thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và chưa được nông dân chấp nhận. Máy móc đưa vào sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài và có giá rất cao trong khi khả năng về kinh tế của người sản xuất còn rất yếu.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới với trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từ những năm 2003 – 2010, TTKNQG đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt hỗ trợ xây dựng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa bao gồm các mô hình cơ giới hóa khâu làm đất, sạ hàng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sấy bảo quản. Từ năm 2011, Bộ cũng đã phê duyệt dự án cơ giới hóa trong sản xuất lúa giai đoạn 2011-2013. Các mô hình triển khai đã giúp nông dân tiếp cận khoa học công nghệ mới về cơ giới hóa trong sản xuất lúa, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân.
Theo đó, ở Trung ương:, tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn về áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, tổ chức hội nghị đầu bờ, thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình; Có chính sách giúp nông dân được vay vốn đầu tư mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất; Đẩy mạnh và khuyến khích công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; Nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với cơ điện nông nghiệp từ trung ương đến địa phương.
Ở địa phương, có các chủ trương chính sách về dồn điền đổi thửa, khuyến khích quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa đạt hiệu quả cao; Có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất; Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình; Khuyến khích phát triển các HTX dịch vụ nông nghiệp, các tổ nhóm dịch vụ cơ giới hóa tại các địa phương. Xây dựng các câu lạc bộ những người sử dụng máy gặt đập liên hợp, tạo các mối liên kết giữa các chủ máy ở các vùng khác nhau nhằm phát huy tối đa hiệu suất sử dụng máy, tăng thu nhập cho các chủ máy.
Khắc phục khó khăn, nhân rộng các mô hình tăng cường cơ giới hóa nông nghiệp
Báo cáo tại Diễn đàn, theo TTKNQG, tính đến năm 2014, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp của cả nước đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, đối với lúa đạt 2,2 HP/ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2008. Số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng nhanh. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình đang gặp nhiều khó khăn, tính bình quân thu nhập trên đơn vị diện tích thì lớn nhưng số diện tích thực làm rất thấp so với năng lực của máy móc. Để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, cần phải thay đổi tư duy của người nông dân, từ đó thay đổi phương thức sản xuất. Việc đề ra các giải pháp xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đề cao sự liên kết giữa các hộ nông dân sản xuất trên cùng một cánh đồng, giữa doanh nghiệp với nông dân và nông dân với các nhà khoa học là hết sức cần thiết.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại tỉnh này, mức độ trang bị động lực trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2015 đạt bình quân 3,75 HP/ha (tăng 19,4% so với năm 2010), trong đó đất trồng cây hàng năm đạt 1,55 HP/ha (cao hơn bình quân chung cả nước 1,4%), đất trồng lúa đạt 2,20 HP/ha (thấp hơn bình quân chung cả nước 5,7%). Hiện nay, một số khâu sản xuất trong nông nghiệp đã được cơ giới hóa cao, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.
|
Tại diễn đàn, câu hỏi của các doanh nghiệp và bà con nông dân xoay quanh các vấn đề về kỹ thuật làm, cấy và chăm sóc mạ khay, chính sách hỗ trợ thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp... được Ban cố vấn Diễn đàn kịp thời giải đáp. (Ảnh: Lê Hợi) |
Kết luận Diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG nhấn mạnh, để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp cần phải tạo ra một cách làm mới, kỹ thuật mới mà trong đó các hộ nông dân phải thống nhất từ khâu chọn giống, làm đất, thời điểm gieo cấy đến khâu thu hoạch và chăm sóc cây trồng theo hướng đồng bộ. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất hết sức cần thiết, nhưng quan trọng phải do người dân hợp tác, liên kết với các chủ máy. TS Phan Huy Thông đánh giá cao cách làm của Tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong trồng mạ khay ở huyện Triệu Sơn và cách tổ chức, quản lý hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của ông Bùi Tiến Lực, Chủ Cơ sở Tiến Anh xã Định Hòa (Yên Định).
Sau diễn đàn, các đại biểu đi thăm quan mô hình trình diễn máy gặt đập liên hợp và thu gom rơm bằng máy tại xã Hoằng Quý (Hoằng Hóa).