Để phát triển nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở một số địa phương của Bình Định

Thứ sáu, 10/06/2016 14:58
(ĐCSVN) – Qua thời gian tổ chức thực hiện mô hình chuyển đổi cây hoa màu, chủ yếu là ngô lai và lạc, trên đất lúa kém hiệu quả tại một số địa phương ở Bình Định, bước đầu, kết quả thu hoạch về khá khả quan và đáng phấn khởi.

Việc thực hiện chuyển đổi được tiến hành do Viện Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ phối hợp với chính quyền địa phương.

Thu hút nhiều hộ nông dân tham gia xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng

Mô hình chuyển đổi thành công cây ngô trên đất lúa tại Bình Định (Ảnh: PV)

Ông Lê Thanh Bình, xã viên HTX Nông nghiệp Ân Phong, huyện Hoài Ân, Bình Định cho biết, thông thường, vụ Hè Thu ở Hoài Ân nói riêng, vùng Nam Trung bộ nói chung, thời tiết nắng nóng, thường khô hạn thiếu nước tưới, sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều nên sản xuất lúa nước không được thuận lợi, chi phí đầu tư gần tương đương nhưng năng suất thường đạt khoảng 70 - 80% so với vụ Đông Xuân nên hiệu qủa sản xuất thấp. Trong khi trồng ngô mặc dù chi phí hạt giống, công lao động, phân bón và thuốc bảo vệt hực vật (BVTV) cao hơn lúa nhưng năng suất đạt cao và giá bán 1 kg hạt ngô tương đương 1 kg thóc nên thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Mặt khác kỹ thuật trồng và chăm sóc ngô cũng không phức tạp, người trồng ngô lần đầu tiên có thể thông qua tập huấn 1 lần ở đầu vụ và dựa vào tài liệu hướng dẫn áp dụng theo.

Đồng quan điểm này, ông Trần Đăng Tá, thôn Long Định, xã Cát Lâm,  huyện Phù Cát , tỉnh Bình Định cho rằng, chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ mà các cấp đã tổ chức thực hiện trong thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn. UBND xã Cát Lâm đã qui hoạch triển khai trên nhiều chân đất màu và đất sản xuất lúa cho nông dân xã Cát Lâm, cụ thể là sản xuất cây ngô lai 3 vụ trên năm. Với gia đình ông, từ năm 2014, đã sản xuất cây ngô vào vụ Hè Thu trên đất màu năng suất thu hoạch bình quân: 400 kg/sào (500m2). Sang vụ Đông Xuân năm 2015 gia đình có sản xuất cây ngô trên đất lúa năng suất thu hoạch bình quân: 439 kg/ sào. Nếu tính cụ thể, thu nhập từ việc chuyển đổi ngô cao hơn thu nhập từ lúa.

Ông Lê Đình Hải, thôn Chành Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho hay, được sự giúp đỡ tuyên truyền vận động của Hội Nông dân xã, được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông đã tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện các mô hình chuyển đổi, nhất là mô hình chuyển đổi đất sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang sản xuất theo mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu: Lúa Đông Xuân - lạc Hè - lúa vụ 3. Sau khi thu hoạch lúa Đông xuân thì tiến hành cày ải phơi đất cho khô, sau thời gian 10 - 15 ngày tiếp tục cày lại cho đất tơi xốp rồi lên luống trồng lạc. Trước đó, trong năm 2001, gia đình ông mới chỉ sản xuất 3 sào lạc, năng  suất ban đầu chỉ đạt 25 tạ/ ha nhưng so với sản xuất cây lúa hiệu quả vẫn cao hơn.

Ông Lê Đình Hải kể: “Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỷ thuật và được sự hướng dẫn của các cán bộ kỷ thuật như: cách làm đất, lên luống, bón phân, chọn giống và phòng trừ sâu bệnh. Đến năm 2005, tôi sản xuất được 5 sào lạc trên những chân ruộng khó khăn về nước tưới vì nước tưới chủ yếu là dùng giếng khoan. Năng suất tăng lên được 30 tạ/ha. Với những kiến thức được học qua các lớp tập huấn, tham dự các buổi hội thảo, tham quan, năm 2010 tôi tăng diện tích sản xuất cây lạc lên 8 sào năng suất đạt 40 tạ/ ha (200 kg/sào) tôi thu được 1.600 kg, với giá 20.000 đồng/kg,  tiền thu được là: 32 triệu đồng. Năm: 2014 vừa qua tôi tăng diện tích lên 1 mẫu (10 sào), năng sất đạt 45 tạ/ha, cá biệt 2 sào đạt 50 tạ/ha. Qua hơn 10 năm thực hiện mô hình chuyển đổi từ đất sản xuất lúa bấp bênh sang trồng lạc theo công thức: lúa Đông Xuân + lạc vụ Hè + lúa vụ mùa, năng suất luôn luôn tăng cả cây lúa và cây lạc. Thu nhập cao gấp nhiều lần so với sản xuất độc canh cây lúa. Với những kết quả đạt được, mô hình chuyển đổi từ chân ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc theo công thức: lúa Đông Xuân - lạc Hè - lúa Mùa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất 3 vụ lúa, tăng thu nhập, khắc phục được những bất lợi trong sản xuất 3 vụ lúa... Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục sản xuất theo mô hình chuyển đổi, cùng với bà con nông dân đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất cây lạc để tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần hoàn thành tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Để phát triển mở rộng mô hình chuyển đổi

Mô hình trồng lạc thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi sử dụng chế phẩm Trichoderma tại thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, Bình Định (Ảnh: nghenong.com)

Nhìn chung, mô hình trồng ngô, lạc… có hiệu quả kinh tế cao cách biệt, mở rộng diện tích sản xuất các cây hoa màu này không những giảm thiểu lượng gạo dư thừa phải xuất khẩu với giá thấp, hạn chế nhập khẩu mà còn giảm sâu bệnh hại trong cơ cấu luân canh lúa – ngô, lạc - lúa, góp phần tăng thu nhập và tính bền vững trong sản xuất cây trồng đặc thù này.

Tuy nhiên để phát triển mở rộng mô hình ra sản xuất, các  nhà quản lý cần quy hoạch lại vùng sản xuất đi vào chuyên canh, cần thiết tiến hành công tác dồn điền đổi thửa vì thực tế diện tích đất sản xuất trên đầu người quá ít, nhiều hộ nông dân xác định sản xuất lúa để làm lương thực cho gia đình nên gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi. Thêm nữa, các nhà chuyên môn cần xác định giống ngắn ngày, năng suất cao, có khả năng chịu hạn, nóng tốt để thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở vụ Hè Thu, vụ Thu vùng Nam Trung bộ. Đồng thời, cần trang bị đầy đủ kiến thức về sâu bệnh hại, đa số bà con nông dân ở vùng chuyên lúa chưa nhận dạng được cũng như giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại ngô, trong khi nhiều đối tượng như sâu đục thân, đục quả, bệnh khô vằn… thường xuyên phát sinh và để lại ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng hạt thương phẩm. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo hạt, vun gốc, thu hoạch, tách hạt... để giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt, cần quan tâm việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm khi mô hình phát triển ra diện rộng để ổn định đầu ra.

Nhà nước cũng có thể xem xem hỗ trợ một phần giống cho nông dân, trong khi đó, các cấp ngành tập trung giới thiệu, vận động tuyên truyền về việc chuyển đổi trồng cây trên đất lúa kém hiệu quả, mang lai kinh tế cao hơn so với cây lúa.

Hà Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực