Đồng Nai: Đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi

Thứ ba, 27/06/2017 17:38
(ĐCSVN) - Là một trong những địa phương có tổng đàn nuôi gia súc, gia cầm khá lớn, Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn trong các khâu tổ chức sản xuất theo chuỗi, tiêu thụ sản phẩm,…

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Theo Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 1,7 triệu con. Trong đó, đàn heo nái gần 300.000 con, heo đực giống khoảng 5.300 con giống. Chăn nuôi trang trại chiếm 69% với 1.697 trang trại; chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 31% tổng đàn. Đồng thời, tổng đàn gà khoảng 18,6 triệu con; tổng đàn trâu, bò khoảng 70.000 con; đàn vịt, ngan, ngỗng khoảng 1,05 triệu con.

Hiện nay, Đồng Nai đã quy hoạch 139 vùng phát triển chăn nuôi với tổng diện tích 15.722,7 ha. Đến nay, đã có 596 trang trại trong vùng quy hoạch (chiếm 35%); quy hoạch 36 cơ sở, điểm giết mổ (21 cơ sở tập trung, 15 cơ sở giết mổ vệ tinh). Trên địa bàn tỉnh đã có 4 cơ sở có hệ thống lưu trữ cấp đông với công suất 123 tấn. Về các cơ sở sản xuất an toàn và quy trình VietGAHP, địa phương đã có 483 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Đồng thời, 54 trang trại chăn nuôi đạt chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), trong đó có 24 trang trại chăn nuôi gà, 29 trang trại chăn nuôi heo và 1 trang trại chăn nuôi bò.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai phát triển các vùng chăn nuôi GAHP cho nông hộ. Qua đó xây dựng được 3 vùng GAHP ở huyện Thống Nhất, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh. Đến nay, 23 Tổ hợp tác (với 402 hộ thành viên) và 226 hộ chăn nuôi heo đã được chứng nhận VietGAHP nông hộ. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 12 chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn.

Dù vậy, theo đánh giá của Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hiện nay, trên tình hình địa bàn, chăn nuôi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi vẫn còn yếu, phụ thuộc nhiều khâu trung gian và khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc. Việc áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) chưa được người chăn nuôi chú trọng và tự nguyện tham gia thực hiện. Cùng với đó, người chăn nuôi chưa chủ động thực hiện tốt việc tự trộn thức ăn chăn nuôi, quản lý con giống để giảm giá thành sản phẩm, còn phụ thuộc các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi. Các hình thức tổ chức sản xuất lớn trong chăn nuôi, nhất là hình thức hợp tác xã chậm phát triển, hoạt động chưa hiệu quả. Về tiêu thụ sản phẩm, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước. Thị trường xuất khẩu còn chiếm thị phần nhỏ, chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, vì vậy, không ổn định.

Nhằm góp phần ổn định sản xuất, đồng thời hoàn thiện chuỗi sản phẩm chăn nuôi từ sản xuất đến bàn ăn, hiện nay, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đang xây dựng đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn giai đoạn 2018 – 2020 ”. Mục tiêu của đề án nhằm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua đổi mới tổ chức sản xuất và phương thức quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo Luật An toàn thực phẩm. Đề án thực hiện phát triển chăn nuôi heo theo hướng an toàn; đổi mới phương pháp trong sản xuất chăn nuôi; cải thiện năng suất chăn nuôi từ 18con/nái/năm tăng lên 24 con/nái/năm. Đồng thời giảm tiêu tốn thức ăn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt trong chăn nuôi. Xây dựng chuỗi sản phẩm ngành hàng thịt heo, gà trên địa bàn tỉnh và hướng đến xuất khẩu; xây dựng thương hiệu đối với chuỗi sản phẩm để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt đối với các sản phẩm được chứng nhận VietGAHP. 

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án hướng đến kết nối giao thương giữa chăn nuôi Đồng Nai và các nước khác. Kết nối, xây dựng thành công hệ thống chuỗi khép kín từ sản xuất, giết mổ, chế biến đến khâu tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng kênh thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về giá cả thị trường, tình hình lưu thông sản phẩm trong và ngoài nước để người dân điều chỉnh việc tái đàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, bao gồm chăn nuôi trang trại và chăn nuôi nông hộ thông qua việc thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã chăn nuôi. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, giảm giá thành trong sản xuất thông qua các giải pháp hướng dẫn người dân lựa chọn các giống vật nuôi tốt cho năng suất cao, chất lượng tốt; tổ chức sản xuất theo Tổ hợp tác, Hợp tác xã,…để thu mua các nguyên liệu đầu vào, tổ chức phối trộn thức ăn giảm các khâu trung gian trong phân phối thức ăn chăn nuôi./.

 

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực