(ĐCSVN) - Thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả ban đầu trong việc xác định các ngành hàng chủ lực, xây dựng cánh đồng liên kết, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất… nhằm phát triển sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình tái cơ cấu tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, qua thời gian triển khai Đề án tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã lựa chọn được các ngành hàng nông sản có lợi thế và khả năng cạnh tranh là lúa gạo, xoài và hoa kiểng để phát triển những vùng chuyên canh, nâng cao giá trị gia tăng nông sản. Trong đó, với ngành hàng lúa gạo, ngành tập trung vào công tác tổ chức lại sản xuất, áp dụng các biện pháp giảm giá thành, phát triển các sản phẩm gia tăng để nâng cao giá trị ngành hàng. Đồng thời, toàn tỉnh đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất với 100% diện tích sản xuất, 83% diện tích được chủ động bơm tưới, đặc biệt có 99% diện tích lúa thu hoạch bằng máy, giúp tiết kiệm được 4,3 triệu đồng/ha; khâu phơi sấy tiết kiệm 90.000 đồng/tấn lúa. Với ngành hàng xoài, tỉnh đã xây dựng mô hình canh tác xoài an toàn, đến nay đã có 20ha được chứng nhận GlobalGAP và 69ha được chứng nhận VietGAP.
|
Lúa gạo là một trong những ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp (Ảnh: baodongthap.com.vn) |
Về tổ chức lại sản xuất, năm 2014, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng các cánh đồng lớn với diện tích 86.630ha/524.262ha, chiếm 16,5% tổng diện tích sản xuất lúa cả năm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, tỉnh đã triển khai xây dựng 62.272ha cánh đồng liên kết. Nông dân sản xuất trong các cánh đồng liên kết đã giảm giá thành sản xuất lúa được từ 650-700 đồng/kg, lợi nhuận từ 22-23 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn từ 4-5 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất nhỏ lẻ).
Bên cạnh đó, về cơ sở hạ tầng và đầu tư trong nông nghiệp, đến tháng 6/2015, ngành đã thực hiện hoàn thành 45 trạm bơm điện phục vụ cho 6.012ha đất sản xuất. Hiện nay, Đồng Tháp có 989 trạm, diện tích phục vụ tưới, tiêu cho 178.360ha/216.868 ha diện tích đất canh tác. Từ nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí và vốn hỗ trợ đất trồng lúa, tỉnh đầu tư xây dựng 657 công trình thủy lợi với chiều dài 539,3km, khối lượng đào đắp 2,16 triệu m3. Đầu tư trạm bơm điện đã phát huy hiệu quả trong chủ động tưới, tiêu và bơm rút nước xuống giống Đông Xuân sớm, giúp giảm chi phí tưới, tiêu so với bơm dầu, hạ giá trình sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Thêm vào đó, thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết, mục tiêu của chủ trương tái cơ cấu dựa trên các phương châm: hợp tác, liên kết và thị trường. Từ đó, xuất hiện thêm nhiều mô hình hợp tác để tích tụ diện tích sản xuất lớn, HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào để giúp nông dân, giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp đầu tư tổ hợp: kho bãi, nhà máy, chủ động tìm đến cùng bàn bạc giá cả tiêu thụ trong từng mùa vụ, hỗ trợ kinh phí để nông dân đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, trong quá trình tái cơ cấu, ngành gặp không ít khó khăn vướng mắc, nhất là cơ chế hoạt động, định mức tài chính. Một số địa phương trong tỉnh đang còn lúng túng trong việc xác định các bước đi, ngành hàng cụ thể. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phần lớn vận dụng các chính sách của Trung ương theo phương thức lồng ghép, đa mục tiêu nên nguồn lực đầu tư cho quá trình tái cơ cấu còn rất hạn chế. Kinh tế trang trại chưa được quan tâm hỗ trợ đúng mức để phát huy vai trò của đối tượng này trong phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn. Hạ tầng, cơ sở khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn, yếu kém nên sản phẩm nông nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh.
Mặt khác, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân và những lực lượng quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp nhưng chậm được củng cố và nâng cao năng lực quản lý và điều hành cơ chế thị trường. Một số hợp tác xã, nông dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động trong việc đổi mới phương thức sản xuất, định hướng sản xuất lâu dài.
Nhằm khắc phục những khó khăn, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trong những tháng cuối năm 2015, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, ngành sẽ tập trung vào thực hiện các giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là các chương trình, nội dung cụ thể thực hiện trong năm 2015, nhằm tạo sự thông suốt và đồng thuận trong các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, đặc biệt đối với nông dân.
Thêm vào đó, hỗ trợ phát triển 5 ngành hàng chủ lực lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng, trong đó tập trung xây dựng hoàn thiện đề án chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và các tra, triển khai xây dựng đề án chuỗi ngành hàng hoa kiểng, xoài. Xây dựng các mô hình giảm giá thành nông sản, đặc biệt đối với lúa gạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp. Xác định các mô hình điểm Hợp tác xã để tập trung triển khai thực hiện Đề án, làm cơ sở tổng kết, đánh giá để nhân rộng. Thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp và chính sách nông nghiệp, trong đó tập trung vào công tác nâng cao năng lực của cán bộ nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và nông dân, đồng thời triển khai mô hình thí điểm thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, các chính sách thí điểm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư, xúc tiến thương mại, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các hợp tác xã; tập trung vào công tác đào tạo cán bộ hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng Nông thôn mới./.