Hà Nội: Nhiều tiềm năng phát triển hoa, cây cảnh

Thứ sáu, 11/03/2016 15:40
(ĐCSVN) - Theo ThS. Vũ Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cũng như ở Việt Nam, nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội có từ lâu đời. Tuy nhiên, nó cũng chỉ được coi là một ngành kinh tế và có giá trị hàng hoá từ những năm 1980.

Hoa, cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cho nông dân và địa phương

Hoa trưng bày tại Hội chợ hoa xuân Bính Thân 2016 tại Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh: PV)

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho thấy, diện tích canh tác hoa, cây cảnh của Hà Nội năm 2005 khoảng 610 ha, đến năm 2014 đã tăng lên 2.650 ha (tăng 4,34 lần) trong đó có 68,9% diện tích phân bổ ở 42 vùng tập trung (mỗi vùng có quy mô diện tích trên 20 ha) tại 18 xã của 5 quận, huyện (Từ Liêm: 631,5 ha; Mê Linh: 464,5 ha; Tây Hồ: 212,5 ha; Đan Phượng: 104,1 ha và Thường Tín: 130,8 ha). Còn lại là các diện tích trồng phân tán tại các xã, phường, sản xuất nhỏ lẻ, một số mới được chuyển đổi từ diện tích các cây trồng kém hiệu quả hoặc sản xuất 1 vụ trong năm.

Về sản lượng, nếu như năm 1995 sản lượng hoa cây cảnh ở Hà Nội mới đạt 52.460 triệu đồng/năm thì đến năm 2014 đã đạt 690.000 triệu đồng (tăng 13,15 lần). Giá trị thu nhập trung bình 1 ha hoa, cây cảnh ở Hà Nội năm 1995 là 86 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2014 đã lên đến 360 triệu đồng/ha/năm, tăng xấp xỉ 4,0 lần. Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số giống hoa cây cảnh mới, cao cấp đã dần dần được chú trọng và đang có xu hướng tăng dần về số lượng và giá trị.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng chất lượng hoa không đồng đều ở các vùng sản xuất. Chất lượng hoa cắt cành còn thấp, tỷ lệ hoa đạt tiêu chuẩn loại 1 chỉ từ 20 - 50% tùy trình độ canh tác của từng hộ, từng vùng sản xuất, có sự chênh lệch rõ rệt giữa các vùng hoa, cây cảnh truyền thống và các vùng mới được mở rộng.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa, cây cảnh đã được chú trọng nhưng chưa nhiều. Về giống hoa, Hà Nội chưa có hệ thống cung ứng giống hoa chất lượng cao. Những giống hoa đang trồng (hồng, cúc, thược dược) chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và phương pháp nhân giống truyền thống (gieo từ hạt, trồng từ củ, mầm, nhánh). Các phương pháp này dễ ứng dụng, giá thành cây giống thấp nhưng chất lượng giống không cao, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Vì vậy, Hà Nội thiếu giống hoa đẹp, chất lượng cao. Các giống hoa cao cấp thường nhập từ Trung Quốc, số lượng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu.

Diện tích trồng hoa đại trà (khoảng 80%) chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về trồng và chăm sóc hoa và lúng túng khi gặp thời tiết bất thuận, chưa điều khiển cho nở hoa đúng vào thời điểm có nhu cầu tiêu dùng hoa tăng cao. Các vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung chưa đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới hiện đại). Hiện tại, có 39,5 ha nhà lưới, nhà nilon xây dựng trong những mô hình diện hẹp, nhỏ lẻ tại một số vùng hoa chuyên canh (Từ Liêm, Hoàng Mai, Mê Linh, Đan Phượng). Chưa ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong sơ chế, bảo quản hoa. Chủ yếu sơ chế đơn giản, đã ảnh hưởng tới chất lượng và thời gian sử dụng hoa. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 12 kho lạnh bảo quản hoa sau thu hoạch do người dân tự đầu tư tại Mê Linh, Tây Hồ và Từ Liêm với công suất 10.000 cành hoa/lần bảo quản/kho lạnh (thể tích: 120m3/kho).

Việc xây dựng mô hình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế, chỉ đáp ứng từ 1 - 2% nhu cầu sản xuất. Từ năm 2008 đến nay, mới chỉ có 03 dự án đầu tư sản xuất hoa, cây cảnh đã và đang triển khai thực hiện nhưng dự án quy mô nhỏ lẻ, có dự án đầu tư công nghệ cao thì gặp nhiều khó khăn nên chưa đi vào hoạt động. Một số quận, huyện đã hỗ trợ cho sản xuất hoa, cây cảnh như: tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên một số chủng loại hoa, cây cảnh chính. Đầu tư hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho nông dân trồng hoa cây cảnh. Hỗ trợ về giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón.

Không phủ nhận giá trị kinh tế mà ngành hoa, cây cảnh mang lại cho người nông dân và nhiều địa phương của thành phố. Thống kê chưa đầy đủ đã chỉ ra, tại các vùng hoa chuyên canh, người dân có kỹ thuật và kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh khá cao. Trung bình thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng/ha/năm. Một số diện tích hoa hồng chất lượng cao đạt doanh thu đến 1.000-1.200 triệu đồng/ha/năm. Hoa lily, lan và cây cảnh chất lượng cao (thường có quy mô nhỏ từ 500 - 2.000 m2) đạt thu nhập từ 120 -500 triệu/mô hình/năm. Tuy nhiên cũng có những diện tích đã không đạt hiệu quả kinh tế do người sản xuất không nắm được kỹ thuật, thiếu thông tin về thị trường và gặp bất thuận về thời tiết.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành hoa, cây cảnh của thủ đô vẫn ở diện sản xuất manh mún, không tập trung. Kỹ thuật sản xuất khá lạc hậu so với các nước trong khu vực, chủ yếu là sản xuất ngoài tự nhiên (tính đến năm 2005, tỷ lệ diện tích hoa cây cảnh áp dụng tiến bộ khoa học mới đạt khoảng 35%). Chính vì lý do trên mà nghề sản xuất hoa cây cảnh mặc dù có thu nhập cao nhưng cũng gặp khá nhiều rủi ro và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên.

Hà Nội hiện có 48 công viên, vườn hoa, vườn dạo ở 7 quận nội thành với tổng diện tích là 138 ha và 377 ha thảm cỏ. Ngoài vườn hoa, công viên, Hà Nội còn có hàng vạn cây bóng mát thuộc 67 loại thực vật trồng trên các đường phố, trong đó có 25 loài được trồng tương đối phổ biến như bằng lăng, sữa, phượng vĩ, săng đào, lim xẹt, xà cừ, sấu, muồng đen, sao đen, long nhãn, me... Các làng hoa và cây cảnh ở Hà Nội như Nghi Tàm, Ngọc Hà, Quảng Bá, Láng, Nhật Tân.... đã có truyền thống từ lâu đời và khá nổi tiếng. Gần đây, nhiều làng hoa và cây cảnh được hình thành thêm ở các vùng ven đô như Vĩnh Tuy, Tây Tựu, và một số xã ở Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn cùng với các loài được chuyển từ các tỉnh phía Nam hoặc hội nhập từ nước ngoài làm cho tài nguyên sinh vật của Hà Nội ngày càng đa dạng và phong phú. (Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

Dự báo nhu cầu và khả năng phát triển ngành sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội

Đào Nhật Tân, Hà Nội (Ảnh: Bùi Thủy)

Kết quả điều tra bước đầu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy nhu cầu tiêu dùng hoa cây cảnh của Việt Nam giai đoạn 2000-2005 là 25.000đ/người/năm của Hà Nội là 42.000đ//người/năm (trong khi ở Hà Lan là 350.000 đ/người/năm, Pháp là 230.000đ/người/năm, Hàn Quốc là 260.000đ/người/năm, Trung Quốc là 80.000đ/người/năm). Theo dự báo với tốc độ tăng trưởng như giai đoạn trước thì đến năm 2015 nhu cầu tiêu dùng hoa của Hà Nội sẽ tăng lên 55.000đ/người/năm và năm 2020 sẽ là 80.000đ/người/năm. Nếu giá trị sản lượng 1ha hoa năm 2020 đạt trung bình 220 triệu đồng/ha (tính quy giá trị tiền năm 2010) thì cần phải phát triển khoảng 5.200 ha hoa và cây cảnh (tăng xấp xỉ 2 lần so với năm 2009). Đó là chưa kể nếu chúng ta xuất khẩu được thì diện tích trên cần tăng nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, ngoài việc tăng diện tích, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) và các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh, đồng thời những giống hoa truyền thống có phẩm chất kém, nhanh tàn sẽ được thay bằng các loại giống hoa cây cảnh mới có chất lượng: màu sắc, hương thơm, độ bền cao hơn (hoa lily, hoa lan, hoa hồng, lay ơn…).

Dự báo đến năm 2020 sẽ chỉ còn những hộ gia đình nhỏ lẻ sản xuất hoa cây cảnh, cây trang trí, cây bon sai và một số loại hoa dễ làm, còn các loại hoa cao cấp sẽ chuyển dần cho các công ty, các chủ trang trại có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, tiền vốn, công nghệ, thị trường đảm nhiệm.

Bởi thế, trong thời gian tới, đặc biệt là trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, dự kiến đến năm 2020 sẽ phát triển 5.200ha hoa cây cảnh tập trung các loại, tăng 200% so với năm 2009, giá trị sản lượng đạt 1.140 tỷ đồng/năm thu nhập trung bình đạt 220 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, tập trung đầu tư xây dựng một số vùng sản xuất chuyên canh ở những nơi có điều kiện sinh thái, điều kiện kinh tế xã hội phù hợp: Vùng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh)  vùng sản xuất hoa chất lượng cao Tây Tựu (huyện Từ Liêm), vùng sản xuất hoa chất lượng cao Yên Bình (huyện Thạch Thất) vùng sản xuất hoa chất lượng cao Liên Hà (huyện Đan Phượng. Song song, các loại hoa cây cảnh cần phát triển ở Hà Nội theo thứ tự ưu tiên trong những năm tới là: hoa cúc, hoa lily, hoa đồng tiền, hoa lan, hoa cát tường…

Đặc biệt, các cơ quan hữu quan của thành phố cần hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hoa theo hướng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các loại sản phẩm hoa có chất lượng cao tương đương hoa ngoại nhập, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực./.

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực