Tỉnh Kiên Giang đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi tôm; trong đó, mô hình nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa (tôm - lúa) phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng ven biển. Theo đó, tỉnh quy hoạch phát triển bền vững hình thức sản xuất này giai đoạn 2016 - 2020 và hướng đến năm 2030.
|
Mô hình nuôi tôm sú luân canh với trồng lúa. (Nguồn: nhandan.com.vn) |
* Tiềm năng phát triển lớn
Kiên Giang là địa phương có diện tích sản xuất tôm - lúa lớn của Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 77.250 ha, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng gồm: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Gò Quao và 2 huyện vùng Tứ giác Long Xuyên là Hòn Đất, Kiên Lương.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, mô hình tôm - lúa sau 15 năm phát triển đã khẳng định tính ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây lúa trên cùng diện tích. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng của hình thức sản xuất này bình quân 7,1%/năm; sản lượng tôm từ 19.382 tấn (năm 2010) tăng lên 26.299 tấn (năm 2015).
Mô hình tôm - lúa ở Kiên Giang là hình thức nuôi trong ruộng có thiết kế mương, bờ bao xung quanh với diện tích bình quân 1 - 2 ha/hộ. Thời vụ thả giống tôm từ tháng 1 đến tháng 4, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8. Năng suất bình quân 300 - 370 kg/ha, có nơi đạt 500 - 700 kg/ha. Sau thu hoạch tôm, nông dân rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chọn giống lúa chịu mặn, thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày, gieo cấy dứt điểm trong tháng 10 và thu hoạch xong trong tháng 1 năm sau. Năng suất lúa từ 3,5 tấn/ha trở lên. Chi phí sản xuất tôm - lúa khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha với lợi nhuận 35 - 50 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân Võ Văn Chợ, ấp Yên Bình, xã Nam Yên, huyện An Biên cho biết, trước đây, nông dân trồng lúa 2 vụ/năm nên bấp bênh, lợi nhuận thấp. Hơn 3 năm trở lại đây, gia đình mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất tôm - lúa, với diện tích 2 ha. Mỗi năm, gia đình thu lãi 120 - 150 triệu đồng/ha. Sản xuất theo mô hình này, cái lợi dễ nhận thấy là sau khi nuôi 1 vụ tôm, chất thải hữu cơ trên mặt đất ruộng giúp ruộng lúa màu mỡ. Bên cạnh đó, nuôi tôm sau thu hoạch lúa, các chất độc hại, mầm bệnh trong ruộng nuôi không đáng kể, hầu như không còn nhờ cây lúa “làm sạch” tự nhiên, tạo môi trường ổn định. Bởi vậy, tôm ít bị nhiễm bệnh, không cần sử dụng nhiều hóa chất, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá, đầu tư cho mô hình tôm - lúa thấp, ít rủi ro và giá thành sản phẩm của hình thức nuôi này thấp hơn so với nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Qua nhiều năm theo dõi, đây là mô hình sản xuất ít làm tác động xấu đến môi trường nuôi tôm chung, hạn chế dịch bệnh gây hại cho cả tôm và lúa. Mô hình thể hiện tính ổn định, bền vững, giảm chi phí sản xuất, nâng lợi nhuận cho nông dân. Kiên Giang đang tập trung nghiên cứu, quy hoạch phát triển sản xuất tôm - lúa theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
* Phát triển bền vững
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho hay, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tôm - lúa còn yếu, chưa theo kịp tốc độ phát triển, mở rộng diện tích canh tác, nhất là hệ thống thủy lợi thiếu đồng bộ. Việc xây dựng, khôi phục, nâng cấp đê biển An Biên - An Minh và 27 cống thủy lợi trên tuyến nhằm phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp U Minh Thượng triển khai thực hiện chậm. Hiện chưa hoàn thiện 6/27 cống thủy lợi gồm: Kênh Thứ Bảy, Xẻo Đôi, Xẻo Quao, Xẻo Nhàu, Thuồng Luồng và Rọ Ghe. Vì vậy, hiện tượng xâm nhập mặn, nhiễm mặn sâu đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của cây lúa trên nền đất tôm. Việc quản lý, kiểm soát nguồn nước trong mô hình tôm - lúa thiếu chủ động.
Ngoài ra, môi trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong 9 tháng năm 2015, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại 11.322 ha; trong đó, gần 11.000 ha tôm - lúa do yếu tố môi trường bất lợi, khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài, phát sinh dịch bệnh.
Tỉnh chưa quy hoạch vùng nuôi, phần lớn diện tích tôm - lúa sản xuất tự phát, canh tác dựa vào kinh nghiệm truyền thống. Đồng ruộng thiết kế chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như: bờ bao không giữ được nước, thiếu ao lắng…Nông dân chọn tôm giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch dẫn đến dễ phát sinh bệnh sau 1 - 2 tháng thả nuôi. Chất lượng lúa giống phục vụ sản xuất tôm - lúa ít chủng loại chịu mặn. Phần lớn nông dân gieo cấy bằng giống lúa mùa địa phương, bị lẫn tạp, thoái hóa, dễ nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp.
Trước thực tế này, tỉnh Kiên Giang quy hoạch phát triển bền vững sản xuất tôm - lúa với mục tiêu năm 2016 ổn định diện tích 77.000 ha, năng suất tôm 350 - 360 kg/ha, lúa 3,5 - 4 tấn/ha. Năm 2020, diện tích 80.000 ha, năng suất tôm 380 - 500 kg/ha, lúa 4 - 5 tấn/ha.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương xác định tôm - lúa là mô hình đặc trưng trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Kiên Giang. Trước mắt, tỉnh tập trung quy hoạch sản xuất tôm - lúa vùng U Minh Thượng và điều chỉnh chuyển đổi diện tích bị ảnh hưởng mặn, trồng lúa kém hiệu quả ở vùng Tứ giác Long Xuyên và một số nơi khác đưa vào sản xuất tôm - lúa. Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cấp vốn đối với dự án xây dựng, khôi phục và nâng cấp đê biển An Biên - An Minh để hoàn thành thi công, phục vụ vùng sản xuất nông nghiệp U Minh Thượng. Xúc tiến thành lập trạm kiểm dịch vùng tại xã Đông Thái (An Biên) nhằm kiểm tra chất lượng và quản lý giống thủy sản.
Địa phương tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ trên các vùng quy hoạch tôm - lúa; xây dựng mô hình nuôi tôm luân canh với trồng lúa an toàn sinh học VietGAP. Công tác khuyến nông, khuyến ngư được tăng cường, nhất là kỹ thuật canh tác tôm - lúa cho nông dân. Thực hiện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, ký kết bao tiêu sản phẩm, chế biến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu “tôm - lúa”./.