Hiện đại hoá nông thôn và vấn đề đặt ra

Thứ hai, 02/02/2015 16:09

(ĐCSVN) - Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn liên tục phát triển, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đứng trước những khó khăn, thử thách mới đòi hỏi cần giải quyết kịp thời các vấn đề đang đặt ra.

Trong điều kiện nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đi lên từ mức phát triển rất thấp, còn mang tính chất của một nền sản xuất tiểu nông, lại nằm trong khu vực thường xuyên có bão, lụt,… nhưng nông nghiệp, kinh tế nông thôn nước ta đạt được những thành tựu lớn. Đóng góp vào thành công này, có vai trò to lớn của khoa học công nghệ. Cần khẳng định, đây là những thành quả vô cùng to lớn trong những nhiều năm qua. Về cơ bản, khoa học công nghệ mới ngày càng được áp dụng rộng rãi; cơ giới hoá, công nghiệp chế biến được tăng cường, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Những kết quả tích cực

Việc áp dụng giống mới và quy trình canh tác tiên tiến được đẩy mạnh trong cả nông nghiệp, nghề rừng, diêm nghiệp và thuỷ sản. Có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả,... được dùng giống mới; công nghệ mới trong khai thác và bảo quản hải sản đang được áp dụng; nhiều mô hình nhà lưới, nhà kính; quy trình canh tác tưới với công nghệ mới, tiết kiệm... để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Cơ khí hoá nông nghiệp có bước tiến bộ. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có gần 500.000 máy kéo các loại với tổng công suất trên 5 triệu mã lực, tăng 4 lần so với năm 2001; có 589.000 máy tuốt, đập lúa, riêng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 11.000 ngàn máy gặt các loại, trong đó, hơn 6.600 máy gặt đập liên hợp.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Chế biến nông, lâm, thuỷ sản ngày càng được tăng cường. Cả nước đã có hàng chục nghìn cơ sở công nghiệp các loại ở vùng nông thôn với nhiều quy mô khác nhau. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã áp dụng công nghệ và dây chuyền chế biến hiện đại, đã tạo bước đột phá phát triển của ngành. Chẳng hạn như ở Lâm Đồng, ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đã có sự tăng trưởng không ngừng, đóng vai trò chủ lực trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Công nghiệp chế biến nông sản luôn chiếm khoảng 45% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến của toàn tỉnh, và khoảng 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Hàng năm, ngành thu hút trên 10 nghìn lao động, chiếm trên 30% lao động công nghiệp toàn tỉnh, đồng thời tạo công việc bán thời vụ cho hàng nghìn lao động nông nghiệp khác.

Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn liên tục tăng. Hình thành và phát triển nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế thương mại, cụm công nghiệp, làng nghề ở nông thôn… Nhiều địa phương thuần nông trước đây, hiện đã có tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP cao và ngày càng tăng. Số hộ chuyển sang làm công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ tăng nhanh.

Kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông thôn được tăng cường. Công tác thuỷ lợi có năng lực tưới đạt 6,85 triệu ha lúa, tiêu cho khoảng 2 triệu ha, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha. Giao thông nông thôn phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần tạo thuận lợi để thu hút nhà đầu tư và công nghiệp về khu vực nông thôn. Chương trình đưa điện lưới quốc gia về nông thôn cũng được đẩy mạnh. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2014, đã có 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn trên cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong đó, tỷ lệ được sử dụng điện tại khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc đạt 97,55% về số xã và 85,09% số hộ dân, khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 100% về số xã và 96,17% số hộ dân. Các con số này ở khu vực Tây Nam Bộ lần lượt là 100% và 97,72%. Nhà ở nông thôn được đầu tư xây dựng mới nhanh chóng; nhiều xã cơ bản hoàn thành việc “xóa” nhà tranh tre, nứa lá; nhiều huyện, xã đã cơ bản “ngói hoá” nhà ở. Các xã về cơ bản đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở cũng như trạm y tế…

Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Nhờ thu nhập của người dân tăng nên điều kiện sinh hoạt ngày càng được cải thiện, nhất là về nhà, phương tiện đi lại, nghe nhìn. Điều kiện học hành, y tế, giáo dục, văn hoá, truyền thống bản sắc dân tộc ngày càng được quan tâm. Hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn được tăng cường; dân chủ nông thôn ngày càng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn vẫn được giữ vững; tình đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo và các vùng miền tiếp tục được bảo vệ và phát triển.

Một số hạn chế

Tuy khoa học kỹ thuật đã được tăng cường áp dụng, nhưng nhìn chung công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển với tốc độ rất chậm; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chất lượng chưa được cải thiện. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề nhìn chung mới tập trung ở ven đô thị lớn; quy mô chủ yếu còn nhỏ nên thu hút nông dân vào rất hạn chế. Chất lượng lao động nông thôn thấp; lao động trẻ rời bỏ nông nghiệp có nơi tới 30-40%; lao động thực tế làm nông nghiệp chủ yếu là phụ nữ, người lớn tuổi, làm cho lao động ở nông thôn ngày càng “già” thêm.

Đô thị hoá nông thôn còn phát triển tự phát, kết cấu hạ tầng và dịch vụ thiếu và chất lượng thấp. Mặc dù các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn được gia tăng, nhưng còn thiếu, chất lượng kém, hiệu quả sử dụng không cao. Các khu dân cư, nhà ở ở nhiều vùng nông thôn phát triển nhanh, nhưng chủ yếu còn tự phát; môi trường, cảnh quan của nông thôn nhiều nơi bị phá vỡ.

Thời gian qua nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống của nông dân. Nông nghiệp đã trở thành một nền sản xuất hàng hoá đảm bảo vững chắc an ninh lương thực; bộ mặt đa số các vùng nông thôn đã có những chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của đa số nông dân được cải thiện rõ rệt; an ninh, trật tự, ổn định chính trị được giữ vững, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy vậy, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn diễn ra còn chậm và có nhiều lúng túng; sản xuất còn mang tính tự phát, thiếu bến vững, hiệu quả thấp; nhiều vấn đề mới phát sinh trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân chậm được giải quyết.

Vấn đề đặt ra

Để khắc phục tồn tại, cần tiếp tục có chính sách đột phá về áp dụng khoa học công nghệ, đưa công nghiệp vào nông thôn, gắn sản xuất với đầu tư công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị và lợi ích của người sản xuất. Nhiều địa phương làm tốt về nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn đã đưa ra các giải pháp đột phá, trước hết coi khoa học công nghệ là then chốt, có sự đầu tư thích đáng cho khoa học công nghệ, tạo ra bước bứt phá về giống cây trồng, con nuôi. Áp dụng mạnh một số công nghệ cao và chú trọng đến chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, gắn sản xuất với đầu tư công nghiệp chế biến để tác động tích cực đến việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo sức cạnh tranh và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.

Một số tỉnh đã tăng đầu tư từ ngân sách cho công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản và cơ khí hoá vào sản xuất thông qua việc hỗ trợ vốn, trợ cấp lãi suất ngân hàng để các đơn vị và nông dân đầu tư sản xuất giống, mua sắm máy móc. Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tích cực đổi mới công nghệ và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Chỉ đạo các cơ sở chế biến công nghiệp xuất khẩu nâng cao chất lượng hàng hoá, đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế và khu vực.

Có chính sách mạnh mẽ đưa công nghiệp và nông thôn, đầu tư các nhà máy chế biến, ban hành cơ chế gắn sản xuất với vùng nguyên liệu,… Mặt khác, cần tăng cường bộ máy quản lý Nhà nước ở cơ sở (thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,…); quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng và ban hành quy chế quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu và các chất kháng sinh trong sản xuất và chế biến hàng nông sản, thuỷ sản,… Từ đó nâng cao năng suất, sản lượng hàng hoá nông sản và bảo đảm lợi ích của người sản xuất nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp chế biến.

Nhìn chung, mặc dù nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt những thành tựu lớn, quan trọng, nhưng với thực trạng yếu kém nói trên đang chứa đựng tiềm ẩn, nguy cơ mất ổn định xã hội; đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi Đảng ta phải có quyết tâm chính trị cao đề ra những chủ trương, chính sách mới đúng đắn và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Mỗi địa phương, đơn vị làm tốt sẽ khắc phục nhanh được những khuyết điểm và yếu kém vừa qua, tạo ra bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm cơ sở thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và tiến tới mục tiêu tới năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực