Hiện đại hóa tàu cá phục vụ đánh bắt ngoài khơi xa

Thứ tư, 05/08/2015 15:08

(ĐCSVN) – Trong nhiều năm qua, nghề khai thác hải sản ở nước ta mới chỉ tập trung đầu tư theo chiều rộng “nghề cá nhân dân”, thiếu đầu tư chiều sâu dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp gây lãng phí nguồn lợi. Bởi vậy, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (TBKHKT) vào khai thác hải sản là một yêu cầu cấp thiết.

Điều này được ThS. Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định khi trao đổi về các chính sách mới và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác hải sản xa bờ. Theo ThS Tuấn, giải pháp tăng cường ứng dụng TBKHKT hiện nay là các cơ chế chính sách để tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề khai thác.

 

 Cần thiết phải hiện đại hóa tàu cá, nâng công suất và trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt ngoài khơi xa (Ảnh: HNV)


Nhiều tiến bộ trong ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác ngoài khơi

Cũng theo Phó Vụ trưởng Phạm Ngọc Tuấn, trong thời gian qua, công tác ứng dụng TBKHKT vào hoạt động khai thác ngoài khơi xa đã có nhiều tiến bộ.

Thứ nhất, công tác điều tra đánh giá nguồn lợi và dự báo ngư trường có bước tiến mới. Hiện tại, chúng ta đã xác định được thành phần loài, giống, họ hải sản trữ lượng và khả năng khai thác cho phép của các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, đã tiến hành dự báo ngư trường cho các nghề khai thác chủ yếu như: lưới kéo, lưới re, lưới vây, câu tay mực, câu vàng cá ngừ đại dương; các đối tượng khai thác chủ yếu như: cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng, mắt to, mực ống, mực nang… Cụ thể, tính đến thời điểm hiện nay, đã dự báo được nguồn lợi thủy sản theo mùa, theo tháng và đáng thử nghiệm dự báo theo tuần đến 10 ngày.

Thứ hai, công tác bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ đang ngày càng được quan tâm. Hiện nay, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng và chuyển giao như: Công nghệ sử dụng hầm bảo quản với vật liệu cách nhiệt là Polyurethan, vách hầm được bọc Inox hoặc composit được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao đã được áp dụng trong phạm vi cả nước; Công nghệ sử dụng đông lạnh gió cho các tàu dịch vụ hậu cần tại Phú Quý - Bình Thuận, công nghệ cấp đông sâu trên tàu dịch vụ Khánh Hòa và trong các tàu đóng mới theo Nghị định 67; Công nghệ đông lạnh thấm, công nghệ sơ chế hấp xấy cá cơm trên tàu của Kiên Giang đã được ứng dụng...

Thứ ba, đã chuyển giao tiến bộ công nghệ sử dụng máy dò ngang trong nghề lưới vây được Trung tâm khuyến nông Quốc gia chuyển giao trong cả nước. Hiện, đã có 639 máy được giao xuống tàu. Năng suất khai thác của các tàu có máy tăng từ 150 đến 200%. Hiện nay, hầu hết các tàu lưới vây đều trang bị loại máy này. Nhiều ngư dân đã sử dụng máy có chất lượng cao, 4 đầu dò tâm phát hiện cá gấp 3 đến 4 lần so với máy của đã được chuyên giao.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ trong khai thác thủy sản, cụ thể:

Với nghề câu cá ngừ đại dương: Tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đã được chuyển giao kỹ thuật khai thác, bảo quản theo công nghệ của Nhật Bản. Từ kỹ thuật thu câu, sơ chế, bảo quản tạo thành chuỗi từ khai thác đến tiêu thụ tại thị trường của Nhật. Ngoài ra, Viện nghiên cứu Hải sản đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình bảo quản cá ngừ đại dương phù hợp với tàu cá Việt Nam;

Với nghề lưới vây: Đã áp dụng tời thu lưới, thu giềng rút để giảm sức lao động tăng được chiều cao, chiều dài của lưới. Ngoài ra, việc sử dụng chà rạo và máy dò ngang cũng góp phần vào tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả sau mỗi chuyến biển

Với nghề lưới chụp 4 tăng gông: đã cải tiến thành nghề lưới chụp 02 tăng gông thành lưới chụp 4 tăng gông, tăng gấp 4 lần chu vi miệng lưới, bố trí nguồn sáng trên cao tăng độ dẫn dụ mực. Đi kem với việc cái tiến việc cơ giới hóa nghề chụp mực cũng đã được triển khai thực hiện. Hiện nay, nhiều tàu làm nghề chụp 4 tăng gông lao động giảm đi được một nửa còn khoảng 5 đến 6 người, công việc cũng nhẹ nhàng hơn.Thu nhập người lao động được cải thiện đáng kể.

Với nghề lưới rê: trôi tầng đáy sử dụng lưới xù được Trung tâm khuyến chuyển giao khai thác rất hiệu quả các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá Thu, cá Hồng, cá Sạo... Không bị tác động được rào cản thương mại của tổ chức EII. Hiện nay nghề lưới xù được sử dụng nhiều tại Quảng Bình, Bà Rịa Vngx Tàu, Kiên Giang... Nghề lưới rê hỗn hợp được Viện Nghiên cứu Hải sản nghiên cứu thành công chuyên giao tại các tỉnh Nam Đinh, Nghệ An...

Với nghề lưới kéo có độ mở cao lớn được ngư dân Thái Bình du nhập và đã được triển khai trong phạm vi cả nước. Với việc tăng mạnh kích thước mắt lưới tại cánh và thân đã làm giảm đáng kể lực cản của lưới trong nước, tăng được chu vi miệng lưới, vận tốc dắt lưới, tăng năng suất đánh bắt.

Hướng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong khai thác khơi xa tới đây

 

 Việc đánh bắt còn thủ công nên đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng TBKHKT phục vụ đánh bắt ngoài khơi (Ảnh: HNV)


Theo Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho hay, tới đây, sẽ tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng các mẫu tàu, công nghệ khai thác, bảo quản tiên tiến, thân thiện với môi trường có năng suất, chất lượng sản phẩm cao, giảm thất thoát sau thu hoạch nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiệu điều kiện làm việc, nghỉ ngơi của người lao động góp phần vào việc phát triển nghề cá xa bờ bền vững.

Trên cơ sở đó, Vụ đã, đang và sẽ triển khai chuyển giao một số công nghệ tiên tiến, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, bao gồm:

Một là, ứng dụng công nghệ khai thác mực đại dương bằng lưới chụp 04 tăng gông theo hướng hiện đại hóa. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu khai thác mực đại dương (Sthenoteuthis oualaniensis) và mực ống (Loligo spp) vùng biển xa bờ”, giai đoạn: 2000-2001. Mục tiêu là chuyển giao được quy trình, công nghệ khai thác mực đại dương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm sức lao động trên tàu. Trên cơ sở đó, đã tiến hành chuyển giao hoàn thiện quy trình công nghệ khai thác mực đại dương bằng lưới chụp 04 tăng gông hiện đại và hiệu quả; Giảm số lượng lao động trên tàu xuống còn 70% so với hiện tại, tăng thu nhập của ngư dân lên từ 1,2 - 1,5 lần so với sử dụng công nghệ cũ; Xây dựng và chuyển giao 20 mô hình cho các tỉnh ven biển. Đồng thời ban hành tài liệu/sổ tay hướng dẫn quy trình công nghệ khai thác, quy trình hướng dẫn vận hành và sử dụng các máy móc, trang thiết bị phục vụ khai thác.

Hai là, ứng dụng công nghệ khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao bằng nghề lưới rê hỗn hợp - kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu cải tiến, ứng dụng nghề lưới rê hỗn hợp khai thác một số đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá thu, ngừ, chim, hồng, dưa, song,. . .) ở vùng biển xa bờ”, giai đoạn: 2008-2010. Mục tiêu nhằm chuyển giao công nghệ khai thác hải sản bằng nghề lưới rê hỗn hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm sức lao động trên tàu. Theo đó, chuyển giao hoàn thiện quy trình công nghệ khai thác hải sản bằng nghề lưới rê hỗn hợp đạt hiệu quả cao; Giảm số lượng lao động trên tàu làm nghề lưới rê hỗn hợp xuống còn 70% so với nghề lưới rê thu ngừ hiện tại, tăng thu nhập của ngư dân lên từ 1,2 - 1,5 lần so với sử dụng công nghệ cũ; Xây dựng và chuyển giao 20 mô hình cho các tỉnh ven biển. Bên cạnh đó, cung cấp tài liệu/sổ tay hướng dẫn quy trình công nghệ khai thác, quy trình hướng dẫn vận hành và sử dụng các máy móc, trang thiết bị phục vụ khai thác.

Ba là, ứng dụng công nghệ khai thác ghẹ, cá chình bằng lồng bẫy – kết quả nghiên cứu của Đề tài: “Đánh giá nguồn lợi cá rạn san hô ở một số vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở dốc thềm lục địa Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững nguồn lợi.”, giai đoạn: 2005-2007 với việc hướng tới xây dựng các mô hình khai thác hợp lý có chọn lọc đối với nhóm cá và các hải sản sống ở các rặng san hô, nhằm đảm bảo sử dụng nguồn lợi bền vững. Qua triển khai, có ít nhất 3 cụm mô hình ( mỗi mô hình có ít nhất 10 ngư dân tam gia) tại ba tỉnh; các lồng bẫy khai thác được xây dựng mang tính chọn lọc quy cơ; có các nôi quy khai thác nguồn lợi cho các mô hình.

Bốn là, ứng dụng công nghệ khai thác cá ngừ đại dương trên tàu câu tay, kết quả nghiên cứu của Đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương trên tàu câu tay”, giai đoạn: 2014-2015, hướng tới việc chuyển giao công nghệ khai thác cá ngừ đại dương bằng nghề câu tay nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, tập trung xây dựng và chuyển giao 20 mô hình cho các tỉnh ven biển. Năng suất khai thác khi sử dụng cần câu của Nhật cao hơn 1,3 lần so với cần câu truyền thống của ngư dân. Tỷ lệ cá bị mất sau khi sử dụng công nghệ này là 0,0% so với không sử dụng là 18%. Cùng với đó là cung cấp tài liệu/sổ tay hướng dẫn quy trình công nghệ khai thác, quy trình hướng dẫn vận hành và sử dụng các máy móc, trang thiết bị phục vụ khai thác.

Năm là, ứng dụng công nghệ tàu vây đuôi, trong đó, lựa chọn các quốc gia có nghề cá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Croatia để nhập tàu mẫu về nhằm đưa công nghệ khai thác hiện đại; chuyển dịch từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại, đặc biệt tạo điểm nhấn để phát triển nghề cá xa bờ. Theo đó, sẽ góp phần tăng sản lượng khai thác; nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm lao động trên tàu; cải thiện điều kiện lao động, nghỉ ngơi của ngư dân; nâng cao an toàn trong hoạt động khai thác thủy sản và phối hợp đào tạo alo động cũng như chuyển giao công nghệ

Sáu là, ứng dụng công nghệ phát triển các bãi cá nhân tạo; gắn với nghề cá giải trí. Việc làm này xuất phát từ công nghệ của các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật, Trung Quốc... kết hợp với thực tiễn khai thác trà của ngư dân trong nước. Hướng ứng dụng này nhằm thay đổi sinh kế, cải thiện đời sống của ngư dân ở các bãi ngang ven biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi và môi trường. Vụ Khai thác thủy sản cũng mong muốn sẽ xây dựng được cơ chế chính sách cho việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho công đồng ngư dân tại các bãi ngang ven biển, đảo. Đồng thời vừa bảo vệ nguồn, phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi và các hệ sinh thái ven bờ vừa tạo môi trường giải trí lành mạnh cho cộng đồng.

Bảy là, ứng dụng công nghệ lưới kéo sàn dốc từ các nước có nghề cá phát triển để đưa công nghệ khai thác hiện đại; chuyển dịch từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại, nhất là tạo điểm nhấn để phát triển nghề cá xa bờ, góp phần: tăng sản lượng khai thác; nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm lao động trên tàu; cải thiện điều kiện lao động, nghỉ ngơi của ngư dân; nâng cao an toàn trong hoạt động khai thác thủy sản; phối hợp đào tạo lao động và chuyển giao công nghệ…

Tám là, ứng dụng công nghệ câu vàng cá ngừ đại dương bằng hệ thống thu triên tự động xuất xứ từ các nước có nghề cá phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ nhằm đưa công nghệ khai thác hiện đại; chuyển dịch từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại, đặc biệt tạo điểm nhấn để phát triển nghề cá xa bờ

Chín là, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Thực tế, từ năm 2008, đã có nghiên cứu thử nghiệm sử dụng hầm lạnh phủ polyurethane đã tăng thời gian giữ nhiệt lên 1,3-1,5 lần ( Nguyễn Hữu Khánh & Ctv, 2012, Trần Đức Phú & Ctv, 2012). Trung tâm khuyến nông & Hội Nghề cá Việt Nam (2013) đã thử nghiệm cho các tàu khai thác xa bờ và cho kết quả tốt. Việc ứng dụng này nhằm xây dựng mô hình bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo ATVSTP, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.

Ngoài ra, ứng dụng thêm công nghệ ngâm hạ nhiệt cá ngừ đại dương trên tàu câu - kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương trên tàu câu tay”, giai đoạn: 2014-2015 nhằm nâng cao hiệu quả bảo quản sau thu hoạch của cá ngừ đại dương nhằm tăng chất lượng đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn xuất khẩu tới các thị trường quốc tế.

Rồi cả công nghệ sử dụng nước biển lạnh tuần hoàn cho tàu vây cá ngừ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch về chất lượng xuống dưới 10%.

Hay công nghệ đông lạnh gió được tổng kết, cải tiến công nghệ đông lạnh gió của ngư dân Bình Thuận nhằm cải tiến công nghệ phù hợp với đội tàu nhỏ của Việt Nam, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong khai thác dịch vụ thủy sản, hướng tới giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10% nâng cao thu nhập lên trên 40%.

Còn cả công nghệ đông lạnh thấm được tổng kết từ thực tiễn nghiên cứu, triển khai của doanh nghiệp nhằm cải tiến công nghệ phù hợp với đội tàu nhỏ của Việt Nam, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong khai thác dịch vụ thủy sản phù hợp với tàu lưới kéo, tàu dịch vụ lưới kéo; công nghệ sản xuất đá vẩy trên tàu để giúp nâng cao hiệu quả trong khai thác; giảm chi phí nước đá bảo quản, giảm chi phí nhiên liệu do vận chuyển nước đá và tăng hiệu quả cơ hội do không bị tình trạng có cá nhưng hết đá…

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực