Hiệu quả ban đầu của việc sử dụng chế phẩm sinh học BiOWiSH trong sản xuất nông nghiệp

Thứ ba, 26/04/2016 14:54

(ĐCSVN) – Trên cơ sở biên bản thỏa thuận hợp tác từ 16/1/2015 giữa Văn phòng Trung ương Hội Nông dân và Công ty TNHH Enzyma về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường”, tính đến nay, đã có 38 tỉnh trong cả nước đăng ký thử nghiệm với trên 600 mô hình các loại, đối tượng thử nghiệm tập trung vào các con vật nuôi: bò, heo, gà, thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra); trồng trọt có lúa, măng tây, ngô, rau sạch…

Cũng sau 1 năm, hai bên đã phối hợp trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền, tập huấn cho hơn 500 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân 38 tỉnh, thành phố, đại diện các trang trại, các hộ tham gia xây dựng mô hình, bước đầu giúp cán bộ Hội và nông dân hiểu, hình dung ban được tác dụng cũng như lợi ích về mặt kinh tế, lợi ích về xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm của việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

 

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Công ty Enzyma Việt Nam tổ chức tư vấn,
tập huấn cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản tại TP Móng Cái (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

 

Theo ông Phạm Tiến Nam, Chánh Văn phòng Trung ương Hội, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, có thể khẳng định việc ứng dụng công nghệ cao nói chung, công nghệ vi sinh nói riêng vào sản xuất nông nghiệp là chủ trương đúng đắn. Việc ứng dụng đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu các rủi ro và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như môi trường sống. Có thể khẳng định sản phẩm BiOWiSH dẫn đầu về công nghệ trên thị trường hiện nay. Đây là hướng đi không mới so với thế giới nhưng với sự đầu tư bài bản, có kế hoạch cụ thể, đảm bảo nguyên tắc và các tiêu chí của hệ thống Hội đã góp phần vào sự thành công của các mô hình thử nghiệm, từ đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của Hội Nông dân trong hệ thống chính trị.

Chia sẻ về kết quả thử nghiệm sử dụng chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, Tổng giám đốc công ty TNHH Enzyma Lê Văn Hải mong muốn hỗ trợ kịp thời nhất với bà con nông dân cả nước trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp của nước ta, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí giá thành  tự thân nâng khả năng tiếp thị của nông sản Việt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Ông Vũ Thành Long, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: nông dân trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lợi từ chế phẩm BiOWiSH, đặc biệt thử nghiệm chế phẩm trên con tôm. Trong thời điểm triển khai mô hình có trên 1.000 các loại chế phẩm khác nhau. Thời điểm bắt đầu thử nghiệm mô hình, vùng tôm Móng Cái đang bị dịch bệnh trên diện tích rộng, thời tiết khắc nghiệt. Kết quả mô hình triển khai rất thành công, tỷ lệ sống cao, năng suất tăng lên rõ rệt. “Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm này”. – ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, hình thức hợp tác về sử dụng chế phẩm sinh học được triển khai hiệu quả trong hỗ trợ nông dân, ứng dụng KHCN trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay. Đây cũng là việc làm rất cần thiết, góp phần gia tăng giá trị sản xuất hàng hóa cho nông nghiệp. Với Tiền Giang, qua việc thử nghiệm trên cây lúa, bưởi da xanh, xoài, heo đã thu về hiệu quả cao, năng suất lúa trung bình tăng từ 7 tấn/ha lên 9 tấn ha.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết,  Hội Nông dân các cấp thời gian qua cũng liên tục tuyên truyền ứng dụng KHCH nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, đặc biệt gần đây là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà cả hệ thống chính trị và xã hội quan tâm. Chủ tịch Lại Xuân Môn chỉ rõ, trước yêu cầu khó khăn thách thức thời gian tới (hội nhập sâu rộng, biến đổi khí hậu, hàng giả hàng nhái kém chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…), tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng rõ ràng phải đưa KHCN, công nghệ sinh học vào sản xuất tạo ra năng suất, chất lượng đủ sức cạnh tranh, sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

 

Mô hình sản xuất chè sạch tại Đại Từ, Thái Nguyên (Ảnh: HNV)

Ông Lại Xuân Môn yêu cầu tất cả hệ thống Hội Nông dân cấp cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bà con nông dân sử dụng sản phẩm này, chỉ đạo Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của tỉnh phối hợp công ty hướng dẫn nông dân sử dụng đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, chặt chẽ; giao cho Văn phòng Trung ương Hội tiếp tục là đầu mối phối hợp các ban đơn vị, công ty, các tỉnh, thành tiến hành tập huấn, giới thiệu sử dụng, tạo điều kiện nông dân sử dụng, tiếp tục đưa mô hình về các địa phương chưa triển khai, đồng thời củng cố những mô hình cũ, tăng cường liên kết các đơn vị trong tổ chức thực hiện đưa chế phẩm phát huy hiệu quả; giao Ban Tuyên huấn và cơ quan thông tin của Trung ương Hội tiếp tục mở chuyên trang chuyên mục tăng cường thông tin tuyên truyền về mô hình địa phương đã triển khai tốt kịp thời đưa sản phẩm đến đại trà tới bà con nông dân; Hội đồng Khoa học của cơ quan Trung ương Hội sớm nghiên cứu thí điểm chuyển giao ứng dụng chế phẩm này vào sản phẩm trồng trọt chăn nuôi nhất là ở vùng hạn hán, nhiễm mặn; phối hợp với các doanh nghiệp cùng công ty quảng bá xây dựng thương hiệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; đề nghị công ty tích cực giới thiệu kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn quy trình…

Ông Lại Xuân Môn cũng khẳng định về cơ bản, thủ tục pháp lý để nhân rộng mô hình này đã đầy đủ, việc nhân rộng và phát triển là cần thiết vì góp phần đối phó lại với sản phẩm không an toàn, từng bước nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm nông sản nước ta./.

 

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực