Hiệu quả từ trồng ngô thay lúa nương ở Mù Cang Chải

Thứ tư, 22/07/2015 15:16

Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, đồng thời mở ra hướng xóa đói giảm nghèo cho người dân luôn là chủ trương được huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm thực hiện.

 

 Đồng chí Ngô Thanh Giang - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải
kiểm tra thực tế chuyển đổi từ lúa nương sang trồng ngô
ở xã Lao Chải.
(Nguồn: baoyenbai.com.vn)


Hiện nay, những diện tích lúa nương năng suất thấp đang được người dân chuyển sang trồng cây ngô cho hiệu quả kinh tế cao. Việc làm này từng bước thay đổi tư duy trồng cây nông nghiệp của đồng bào vùng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Trước đây, với diện tích đất nương hơn 0,5 ha, gia đình anh Lý A Cha ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha chủ yếu trồng lúa nương một vụ. Năm nào lúa tốt, thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ thu hoạch được khoảng hai tạ thóc, vì vậy gia đình anh luôn thiếu ăn hàng năm. Cách đây hai năm, được sự vận động của xã Chế Cu Nha, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng ngô. Nhờ chăm sóc ngô theo đúng hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp, nên sau hai vụ vừa qua, gia đình anh đã không còn bị thiếu ăn như trước nữa.

Anh Lý A Cha phấn khởi chia sẻ: “Trước đây gia đình mình trồng lúa nương nên thiếu ăn nhiều lắm. Từ khi chuyển sang trồng ngô thì mình thấy cây ngô cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Mỗi năm mình trồng được hai vụ, thu hoạch được hơn 4 tấn ngô. Tiền bán ngô mình để đi mua gạo và giờ nhà mình không bị đói như trước đây nữa. Mình sẽ tiếp tục trồng ngô và không trồng lúa nương nữa”.

Từ thực tế trồng cây ngô qua các vụ trước, theo tính toán về hiệu quả kinh tế thì mỗi năm, một héc ta trồng lúa nương ở Mù Cang Chải chỉ cho thu hoạch khoảng 5 tạ thóc và chỉ canh tác được một vụ. Trong khi đó, mỗi héc-ta ngô cho thu hoạch khoảng 4,5 tấn và mỗi năm canh tác được 2 vụ. Theo giá cả thị trường hiện nay, nếu giá thóc nương là 7.500 đồng/kg thì giá ngô khoảng 6.000 đồng/kg. Một héc ta trồng ngô hai vụ thì cả năm cho thu hoạch hơn 8 tấn, giá trị khoảng 50 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập lớn đối với người dân nơi vùng cao này.

Những năm trước, xã Chế Cu Nha mỗi năm chỉ trồng được vài chục héc ta ngô. Nhưng vài năm gần đây, do đồng bào thấy được hiệu quả thiết thực của việc trồng cây ngô nên diện tích trồng ngô ngày càng tăng mạnh. Cụ thể, trong vụ Xuân Hè năm nay, xã được giao kế hoạch trồng 115 ha ngô, thì đến nay, nhân dân trong xã đã trồng được hơn 200 ha. Ông Giàng A Của, Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha khẳng định, chủ trương của huyện là khuyến khích nhân dân chuyển diện tích trồng lúa nương một vụ kém hiệu quả sang trồng nương ngô. Đến nay, việc làm này đã trở thành phong trào và phong trào này đang được đồng bào nhiệt tình hưởng ứng vì năng suất rất cao, có thể cao gấp ba lần, bốn lần, thậm chí năm lần so với trồng lúa nương.

Cùng với ưu điểm về hiệu quả kinh tế, việc đưa cây ngô vào canh tác còn mang lại những lợi ích như giúp hạn chế tình trạng chống xói mòn đất, đất bạc màu so với canh tác lúa nương. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể tận dụng lá ngô, thân ngô làm thức ăn cho trâu, bò, đặc biệt là vào mùa đông giá rét.

Việc người dân tích cực chuyển đổi trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô chính là minh chứng cụ thể sự đồng thuận của người dân với nghị quyết của huyện đã đề ra. Những năm trước đây, việc vận động người dân thay thế cây lúa nương bằng cây ngô rất khó khăn. Nếu như năm 2010, cả huyện chỉ có gần 1.600 ha đất trồng ngô Hè Thu, thì đến nay, người dân đã mở rộng diện tích trồng ngô Hè Thu lên 3.750 ha. Không chỉ chuyển diện tích lúa nương hiệu quả kinh tế thấp sang trông ngô, đồng bào ở đây còn tận dụng cả những diện tích vườn đồi của gia đình để trồng.

Vụ Xuân Hè năm 2015, chỉ tiêu đăng ký trồng ngô của các xã đều tăng mạnh, điển hình như các xã Lao Chải 812 ha, Nậm Có 500, Cao Phạ 309 ha, Khao Mang 385 ha, Hồ Bốn 346 ha… Để cây ngô phát huy được hiệu quả thì cơ cấu giống được đưa vào chủ yếu là các loại NK66, NK4300, NK54, CP3Q, AG59… Đây là những giống ngô đã được trồng thực nghiệm tại các xã và có ưu điểm như năng suất cao, chịu hạn tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu vùng cao Mù Cang Chải.

Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết, ban đầu, việc thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng bộ huyện về chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự vào cuộc của các ngành chức năng và đặc biệt là chính quyền cơ sở, nên bà bà con đã đồng thuận chuyển đổi. Năm đầu tiên, chúng tôi vận động đồng bào chuyển đổi được hơn 40 ha sang trồng ngô. Đến nay, sau 3 năm thực hiện, chúng tôi chuyển đổi được gần như 100% diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng cây ngô.”

Hiệu quả kinh tế bước đầu do cây ngô mang lại đã thể hiện chủ trương đúng của huyện vùng cao Mù Cang Chải trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc trồng cây ngô đã giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo và thay đổi nhận thức trong sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Sự thành công này đã cho thấy các chính sách của Nhà nước đã sát với đời sống của nhân dân và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Từ đó nhân lên niềm tin của đồng bào với Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc đưa chủ trương, chính sách vào thực tế đời sống ở vùng cao./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực