Hòa Bình: Đẩy mạnh các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi gia cầm

Chủ nhật, 25/10/2015 15:44

(ĐCSVN) - Theo Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, ngành chăn nuôi gia cầm đã có những bước phát triển thuận lợi, cung cấp số lượng lớn sản phẩm cho thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, để tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn cần triển khai các giải pháp đồng bộ.

Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình) cho biết, hiện nay, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo hướng hàng hóa. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện có 3.830.700 con với 55 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm có tổng số 669.400 con/lứa, sản xuất đạt 2.677.600 con/năm. Bên cạnh đó, hiện có 9 trang trại chăn nuôi gà giống, đẻ trứng và hậu bị với tổng số 442.000 con, sản xuất trên 7 triệu con gà giống/năm, 40 triệu quả trứng và 312.000 con gà hậu bị/năm. Ngoài ra, ngành chăn nuôi của tỉnh còn có hàng trăm các gia trại chăn nuôi gia cầm trong nông hộ với quy mô vừa và nhỏ, cung cấp lượng lớn sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của người dân.

Hiện nay, thế mạnh ngành chăn nuôi của tỉnh là có quỹ đất đồi rừng khá lớn, vị trí địa lý, hệ thống đường giao thông tương đối thuận lợi, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng là Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ. Chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang phát triển theo quy hoạch, đã tạo ra thu nhập cao, góp phần giải quyết lao động và sử dụng có hiệu quả đất đai ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại đã tiếp cận được nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về xây dựng chuồng nuôi, giống, thức ăn, công nghệ chăn nuôi, xử lý chất thải bảo vệ môi trường và nhất là công tác quản lý để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi gia cầm. Thông qua đó, tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, an toàn và đảm bảo vệ sinh thú y, đồng thời là cơ sở tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm và hợp tác trong chăn nuôi.

Thêm vào đó, công tác vệ sinh thú y phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường, duy trì thường xuyên công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; công tác kiểm dịch kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y,… được đẩy mạnh. Việc vận chuyển nhập giống gia súc gia cầm được kiểm soát chặt chẽ. Công tác giám sát phát hiện dịch bệnh sớm được tăng cường từ cơ sở, trong đó đã có một mạng lưới thú y cơ sở tại 202 xã, phường trong toàn tỉnh; năng lực hệ thống thú y cơ sở được tăng cường thông qua các lớp tập huấn về chuyên môn do cấp trên phê duyệt theo kế hoạch hàng năm. Mặt khác, các hình thức chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho nhân dân thông qua nhiều hình thức khuyến nông – khuyến ngư đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh đẩy mạnh công tác phát triển chăn nuôi.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, hình thức chăn nuôi gia cầm phổ biến trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán; chưa có quản lý nên còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa cao. Năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi gia cầm vẫn còn ở mức thấp do điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế. Công tác quản lý giống gia cầm còn nhiều yếu kém, việc sử dụng nguồn thức ăn sẵn có chưa hợp lý, chưa có sự liên kết trong sản xuất chăn nuôi nên giá cả bấp bênh, thương lái ép giá, người chăn nuôi thiếu vốn để đầu tư. Đồng thời, chăn nuôi trang trại chủ yếu là chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp; chăn nuôi gia trại còn tự phát, chưa có sự thống nhất về quy hoạch tổng thể. Năng suất lao động thấp, vấn đề xử lý môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Tiêu chí về trang trại còn nhiều bất cập.

Về chế biến và giết mổ tập trung, hiện nay tỉnh chưa có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, các điểm giết mổ gia cầm thủ công tự phát chưa có sự kiểm soát của cơ quan thú y, gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống tổ chức quản lý về thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn quá mỏng, chưa hoàn thiện nên việc triển khai công tác quản lý về chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm khắc phục khó khăn, tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm, theo Chi cục Thú y Hòa Bình, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia cầm tập trung trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa, đưa tỷ trọng chăn nuôi gia cầm chiếm tỷ trọng cao trong giá trị chăn nuôi của tỉnh và có thể điều chỉnh được quy mô cần thiết đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và áp dụng VietGAP trong chăn nuôi.

Khuyến khích mô hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Củng cố phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa các doanh nghiệp và trang trại, giữa các hộ chăn nuôi trong mô hình tổ hợp tác, Hợp tác xã. Cần sớm xây dựng chuỗi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thịt từ khâu giống-chăn nuôi-giết mổ-tiêu thụ.

Thêm vào đó, có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gà thả vườn, chọn ra bộ giống mang tính đặc trưng của địa phương; chăn nuôi có sự quản lý, đảm bảo vệ sinh thú y để làm tăng và phong phú thêm lượng sản phẩm chăn nuôi gia cầm cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng thu nhập kinh tế cho nông hộ. Bên cạnh đó đa dạng hóa các mô hình chăn nuôi, phát triển phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học bảo vệ môi trường.

Mặt khác, cần có chương trình, dự án đầu tư, nghiên cứu khoa học nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững, bảo tồn, cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng các giống gia cầm địa phương bằng các tổ hợp lai để tạo ra những đặc trưng, khác biệt về sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Hướng dẫn, phổ biến quy trình nuôi dưỡng phối trộn thức ăn chăn nuôi bằng các nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí giá thành chăn nuôi, hạn chế lệ thuộc quá nhiều vào nguồn thức ăn công nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, bắt buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh giống phải tự công bố chất lượng giống cơ sở và chịu trách nhiệm về chất lượng công bố. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi; khuyến khích người dân tham gia cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh chủ động cho đàn gia cầm; hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý ngành chăn nuôi thú y từ tỉnh đến cơ sở để có đủ nguồn nhân lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chăn nuôi Thú y theo quy định của pháp luật./.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực