Hòa Bình: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thứ tư, 03/05/2017 15:34
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh bước đầu đã cho một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa lĩnh vực sản xuất này, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn, Hòa Bình (Ảnh: baohoabinh.com.vn)
Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, đến nay tổng diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ toàn tỉnh đạt 35 ha, trong đó có 14,6 ha được cấp chứng nhận PGS (chứng nhận sản xuất hữu cơ – hệ thống đảm bảo cùng tham gia). Sản phẩm chủ yếu là rau ăn lá, rau gia vị và cây ăn quả có múi; diện tích tập trung chủ yếu tại huyện Lương Sơn. Ngoài ra tại huyện Tân Lạc bước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất rau, cây ăn quả có múi hữu cơ, tuy nhiên sản phẩm vẫn còn ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại địa phương.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh, đã có một số mô hình sản xuất hữu cơ bước đầu cho kết quả tích cực. Trong đó, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn với diện tích 17ha, trong đó có 6,6 ha đã được cấp chứng nhận PGS và 10,4 ha được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Năng suất trung bình rau hữu cơ đạt 200-250 tạ/ha/năm trên diện tích đã được cấp chứng nhận, giá trị kinh tế ước đạt trên 350 triệu/ha/năm.

Sản lượng rau hữu cơ huyện Lương Sơn trên diện tích được cấp chứng nhận đạt 160 tấn/năm, tổng giá trị ước đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Chủng loại rau hiện có chủ yếu là các loại rau ăn lá, quả như: rau muống, rau cải canh, rau ngót, rau lang, rau sâm, bồ công anh, rau dền và các loại rau gia vị khác. Cùng với đó, mô hình sản xuất hữu cơ tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn với diện tích 18 ha; trong đó có 8 ha đã được chứng nhận PGS. Sản phẩm chủ yếu là cam, chanh, bưởi. Năm 2016 sản lượng đạt khoảng 200 tấn, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt 9 tỷ đồng/năm.

Sản phẩm rau hữu cơ hiện nay chủ yếu của tỉnh được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký với các doanh nghiệp; trên địa bàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp tiêu thụ chính. Sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn là 1 trong 3 sản phẩm của tỉnh nằm trong danh sách “địa chỉ xanh” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phầm chưa đa dạng và chất lượng chưa đồng đều. Sản phẩm bán ra với giá còn thấp do khâu sơ chế của các cơ sở hiện nay còn thiếu. Việc sản xuất hữu cơ chủ yếu vẫn do các hộ gia đình thực hiện, song việc ký hợp đồng, thu mua sản phẩm lại do đại diện các cơ sở ký kết về giá cả, thời gian thu mua, số lượng, chủng loại rau quả nên việc kiểm soát về chất lượng sản phẩm và số lượng sản phẩm, thời gian giao sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất, đặc biệt sản xuất theo hướng hữu cơ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trình độ, tập quán canh tác của nông dân còn thấp, mang tính tự cung tự cấp, không đồng đều giữa các vùng. Cùng với đó, chi phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ quá cao trong khi người nông dân ít có điều kiện để đáp ứng. Kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm; lấy mẫu, phân tích mẫu đối với các sản phẩm rau, quả hữu cơ chưa có hoặc còn thiếu nhiều. Đồng thời, các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất rau hiện nay còn ít, đặc biệt là các mô hình sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trồng trọt hữu cơ.

Nhằm tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ, theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt theo phương pháp hữu cơ. Trong đó tập trung vào một số đối tượng cây trồng chủ lực như nhóm rau ăn lá, rau ăn quả, cây ăn quả có múi, chè Shan tuyết,... Tiếp tục mở rộng diện tích vùng sản xuất hữu cơ đã được quy hoạch tại huyện Lương Sơn (dự kiến 60ha); nhân rộng mô hình sản xuất rau,  nhóm cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Tân Lạc, huyện Kim Bôi.

Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ; đặc biệt mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng khu sơ chế, bảo quản sản phẩm có công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thu mua sản phẩm; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn, tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng - một trong những kênh phân phối và quảng bá cho sản phẩm rau an toàn của địa phương./.

 

 

                

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực