Hồng Hà nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng trong chăn nuôi lợn

Thứ bảy, 14/05/2016 14:16
(ĐCSVN) - Xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) có hệ thống đường thuỷ, đường bộ thuận tiện cho giao lưu hàng hoá với trung tâm Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đây là một trong những điều kiện rất quan trọng để địa phương phát triển chăn nuôi lợn hàng hoá trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Hồng Hà có tổng diện tích đất tự nhiên là 996,36 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 206,58 ha; đất phi nông nghiệp là 445,45 ha. Với tổng số hộ là 3.023, 13.081 nhân khẩu, lao động nông nghiệp là 10.857 người, chiếm 83%. Đời sống của người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện như vậy, đã tạo cho địa phương có thế mạnh về phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn. Hiện nay, toàn xã có 657 hộ chăn nuôi lợn với 12.673 con.

Trong những năm gần đây, kinh tế hộ gia đình tiếp tục phát triển, trong đó chăn nuôi đóng góp trên 60% giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp của xã, góp phần không nhỏ vào việc tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Hàng năm, xã Hồng Hà luôn duy trì chăn nuôi trên 10 nghìn đầu lợn, sản lượng đạt trên 1.500 tấn lợn hơi xuất chuồng mỗi năm.

Điểm đáng chú ý, Hồng Hà có 1 làng nghề truyền thống nấu rượu và làm đậu phụ, điều này đã giúp cho nông dân tận dụng bã rượu, bã đậu để phục vụ nuôi lợn, nên làm giảm chi phí thức ăn cho lợn. Mặt khác, địa phương cũng luôn đảm bảo được khoảng 50% nhu cầu nguồn lợn giống, nên không bị phụ thuộc nhiều vào thị trường lợn giống bên ngoài. Việc trang bị các kiến thức phòng trừ dịch bệnh cũng luôn được các cấp Hội nông dân quan tâm, thường xuyên mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn chăn nuôi thú y cho nông dân. Vì vậy, các hộ chăn nuôi được trang bị những kiến thức cơ bản, nên dịch bệnh trên đàn lợn ít xảy ra, giảm chi phí thú y, gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi hàng năm.

Mặc dù vậy, Hồng Hà vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi trong khu dân cư với phương pháp truyền thống cũ, tận dụng quá mức phụ phẩm làng nghề chế biến thực phẩm để chăn nuôi, nên chất thải hàng ngày thải ra nhiều. Công tác tuyên truyền và chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường đạt tỷ lệ chưa cao, một phần do kinh tế khó khăn và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nông dân chưa cao. Nhiều hộ chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, còn trông chờ, ỷ lại vào chính quyền xã. Coi việc vệ sinh môi trường là của chính quyền, việc đầu tư cho sản xuất và chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa thực sự tạo thành vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn. Thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn cùng với giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y không ổn định, diện tích khu chăn nuôi của các hộ còn hạn chế, không có đất để mở rộng, phát triển khu chăn nuôi.

Để góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như nâng cao giá trị chăn nuôi, năm 2015 huyện Đan Phượng đã triển khai mô hình điểm về chăn nuôi lợn trên thềm đệm lót sinh học với 3 hộ tham gia. Tổng kết 1 năm thí điểm mô hình này, đã cho thấy tính ưu việt và được các hộ chăn nuôi lợn trong xã đánh giá cao. Qua đó, đã có nhiều hộ nông dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và hiện đã nhân rộng thêm được 10 hộ tham gia.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Như Dương, xã Hồng Hà là 1 trong 3 hộ đã thực hiện thí điểm mô hình điểm về chăn nuôi lợn trên thềm đệm lót sinh học. Trang trại của ông có 600 m2 chuồng trại chăn nuôi với 130 con lợn thương phẩm/lứa; 60 con lợn sữa/lứa; 30 con lợn nái và 4 lợn đực giống. Nhờ áp dụng mô hình trên, trừ chi phí, trang trại của ông cho thu nhập khoảng 600 - 700 triệu đồng/năm. Từ đó, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình ông ngày một hiệu quả.

Theo ông Phạm Như Dương, để nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi lợn, các ngành, các cấp cần tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện chăn nuôi theo quy hoạch xa khu dân cư để các hộ có nhu cầu mở rộng diện tích, đầu tư dài hạn cho chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà nước có chính sách hỗ trợ về thức ăn gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi của các hộ nông dân.

Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý triệt để các hộ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi sử dụng chất cấm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi chính đáng cũng như người tiêu dùng. Tăng cường tập huấn hoa học kỹ thuật và nguồn vốn giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho các hộ nông dân, nhất là các hộ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ. Các cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện hơn nữa để làm cầu nối giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi, hướng tới phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đơn đặt hàng, tạo đầu ra ổn định, có thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập cho nông dân.

Có thể thấy, để nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm, các hộ chăn nuôi ở xã Hồng Hà nói riêng và các địa phương nói chung cần đẩy mạnh hướng tới quy trình chăn nuôi theo hướng sạch, hữu cơ đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và giảm dịch bệnh cho người và vật nuôi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình chăn nuôi theo công nghệ sạch là rất cần thiết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã và đang tích cực chủ động tham gia, nhất là trong bối cảnh thực hiện Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực