Khẩn trương tìm lại những màu xanh mát của vườn cà phê sau hạn (Ảnh: HNV)
Báo cáo của Sở NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, diện tích cây cà phê và hồ tiêu – hai trong số nhiều cây trồng chủ lực của vùng này bị thiệt hại nặng nề, tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng do hạn hán là 110.766 ha, trong đó diện tích mất trắng là 7.586ha (trong đó có 496ha hồ tiêu bị chết cháy tập trung chủ yếu tại Gia Lai 218ha, Đăk Lak 277ha còn lại là cây cà phê bị mất 100% năng suất cho niên vụ 2016/2017).
Cũng theo Sở NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên, các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại và sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn. Trên cơ sở các công văn chỉ đạo của Bộ, hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng chống hạn cho cây cà phê, hồ tiêu vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ của Cục, các địa phương có văn bản và chuyển các tờ rơi đến từng xã để phát cho nông dân đặc biệt sớm triển khai công tác hỗ trợ cho các huyện, xã để kịp thời hỗ trợ cho người sản xuất.
Hiện, các tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ khắc phục hạn hán và nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước; Tuyên truyền, vận động nông dân hiểu rõ tình hình diễn biến thời tiết khô hạn, thiếu nước trong mùa khô để nâng cao ý thức sử dụng nước, tiết kiệm. Đồng thời chuẩn bị điệu kiện để tiến hành khác phục, khôi phục sản xuất sau khi mùa mưa đến; Hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ cây trồngcho phù hợp với tình hình thực tế, sử dụng các giống điều, bơ, sầu riêng, cây dược liệu, chanh leo, mít để hướng dẫn trồng xen và chuyển đối với những diện tích cà phê không phù hợp.
Cũng theo Cục Trồng trọt, đơn vị này cũng chủ động báo cáo tình hình thiệt hại của các tỉnh trên địa bàn về Bộ sau khi kiểm tra đồng thời xây dựng Hướng dẫn khắc phục hạn hán và khôi phục sản xuất đối với cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn các tỉnh. Bên cạnh đó, đánh giá lại việc triển khai và áp dụng quy hoạch đối với cây cà phê và cây hồ tiêu để có điều trình kịp thời, từ đó, xác định cơ cấu các giống cây công nghiệp, cây ăn quả khác để chuyển đối với những diện tích hồ tiêu và cà phê không phù hợp cũng như xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong đó ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao giống, khoa học công nghệ để giảm thiểu của biến đổi khí hậu nói chung và hạn hán nói riêng cho vùng Tây Nguyên.
Đối với cây cà phê và cây hồ tiêu, Cục Trồng trọt cũng có những hướng dẫn chỉ tiết nhằm khôi phục sau hạn hán, trong đó;
Với cây cà phê:
Đối với vườn cà phê bị hạn nặng, lá, cành đã bị khô và rụng trầm trọng thiết hại năng suất 70 - 100 %, có thể xem xét trường hợp ghép cải tạo với các giống cà phê vối chọn lọc đã được công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9.... và chăm sóc gốc ghép, sử dụng chồi ghép, áp dụng kỹ thuật ghép, chăm sóc vườn sau khi ghép, theo quy trình ghép cải tạo cà phê đã khuyến cáo. Hoặc nếu vườn cà phê có năng suất trung bình các năm trước cao (4 - 5 tấn nhân/ha), cây đồng đều, có thể cưa đốn phục hồi tái tạo lại hệ thống thân cành mới. Sau khi cưa đốn phục hồi, áp dụng biện pháp tạo hình, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình đã khuyến cáo. Nếu vườn cà phê bị chết cây thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, những năm gần đây liên tục bị thiếu nước, về lâu dài không chủ động được nguồn nước tưới bền vững, cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn. Sau khi thanh lý vườn cà phê bị hại do khô hạn, lựa chọn một số cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương và có nhu cầu sử dụng ít nước như cây điều, sầu riềng, chôm chôm, bơ….trồng thay thế. Kết hợp trồng xen đậu đỗ, ngô, sắn, cỏ chăn nuôi,…những năm đầu để có thu nhập. Trong trường hợp trồng tái canh lại cà phê, đối với vườn cà phê bị chết do khô hạn, song có khả năng đảm bảo nguồn nước tưới trong điều kiện khí hậu thời tiết bình thường và nằm trong vùng quy hoạch thì thực hiện tái canh áp dụng theo quy trình đã ban hành.
Đối với vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ và trung bình năng suất có thể bị giảm từ 30 - 70 %, đốn tỉa và tạo tán, cắt bỏ cành khô, cành bị rụng lá, cành vòi voi càng sớm càng tốt để giúp cây cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả, hạn chế rụng quả; thu gom cành, lá và cỏ dại tủ gốc để hạn chế thoát hơi nước; lưu ý đánh chồi vượt kịp thời để giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe; trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán; thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại.
Lưu ý, phun phân bón lá chuyên dùng cho cây (như NUCAFE) trong trường hợp đất không đủ ẩm, phun ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 15 - 20 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để cây phục hồi và hạn chế rụng quả sau thời kỳ khô hạn. Khi đất đủ ẩm thì bón phân cho cây. Lượng phân theo khuyến cáo và nên chia làm 2 lần bón cho đợt phân bón đầu mùa mưa để phục hồi vườn cà phê. Đặc biệt, ngay đầu mùa mưa cần tiến hành trồng cây che bóng bổ sung như cây muồng đen…theo quy trình.
Với cây hồ tiêu:
Cây hồ tiêu héo khi nắng hạn kéo dài tại Đăk Lăk (Ảnh: BT)
Đối với diện tích hồ tiêu bị thiệt hại do hạn hán, tùy theo loại hình cần áp dụng biện pháp khắc phục theo từng nội dung.
Đối với hồ tiêu kiến thiết cơ bản: Che lưới cản sáng, giảm thoát hơi nước; tăng cường biện pháp tủ gốc giữ ẩm; tưới bổ sung cho cây nếu nguy cơ không có mưa, lượng nước tưới bằng 50 % so với bình thường; kiểm tra tình hình sâu bệnh hại phát sinh để có giải pháp kỹ thuật phòng trị hiệu quả; bón phân hóa học cho cây nếu đất đủ ẩm. Lượng phân bón đợt đầu mùa mưa nên chia làm 2 lần bón để tăng hiệu quả sử dụng và giúp cây hồ tiêu chóng hồi phục. Nếu đất không đủ ẩm, có thể sử dụng phân bón lá chuyên dùng cho hồ tiêu (NUPE) để phun qua lá, phun ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 15 ngày; chú ý buộc thân vào choái kịp thời.
Đối với hồ tiêu kinh doanh: Cắt cành, tạo tán kịp thời; cắt bỏ các cành yếu, cành sát mặt đất để giúp cây tiêu tập trung dinh dưỡng chuẩn bị ra hoa đậu quả tốt; chưa nên rong tỉa sớm cây che bóng hoặc các cành của cây choái sống; tủ gốc, tưới bổ sung cho cây nếu nguy cơ không có mưa. Lượng nước tưới bằng 50 % so với bình thường. Những vườn đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nên kết hợp bón phân qua hệ thống tưới. Lượng phân bón cho đầu mùa mưa nên chia làm 2 lần. Tỷ lệ N:P:K phải cân đối, đặc biệt bổ sung thêm phân có kẽm và bo để giúp cây hồ tiêu tăng chống chịu và ra hoa, đậu quả tốt khi mùa mưa đến; nếu đất không đủ ẩm, có thể sử dụng phân bón lá chuyên dùng cho hồ tiêu (NUPE) để phun qua lá. Phun ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 20 - 25 ngày; Kiểm tra tình hình sâu bệnh hại phát sinh để có giải pháp kỹ thuật phòng trị hiệu quả.
Đối với hồ tiêu bị thiệt hại mất trắng do hạn hán: Vườn hồ tiêu bị chết cây mất trắng do hạn hán thuộc vùng đất dốc, tầng đất mỏng, về lâu dài không thể chủ động được nguồn nước tưới bền vững, cần chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu sử dụng nước ít hơn.