(ĐCSVN) - Trước sự phát triển của hồ tiêu, nhất là với giá trị gia tăng xuất khẩu của mặt hàng này, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp rất quan tâm tới việc phát triển và canh tác an toàn loại cây này. Cục cũng ban hành hướng dẫn vệ sinh vườn tiêu đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật phục vụ cho cây tiêu tăng trưởng tốt và thu hoạch cao.
Theo đó, Cục Trồng trọt hướng dẫn chi tiết cách vệ sinh vườn tiêu bình thường và khi có dây, trụ tiêu bị chết. Cụ thể:
|
Cần phải vệ sinh vườn tiêu thường xuyên (Ảnh: Sở NN&PTNT Kiên Giang) |
Về vệ sinh thường xuyên vườn tiêu:
- Rào dậu vườn tiêu cẩn thận, không cho gia súc, gia cầm vào vườn gây phát tán mầm bệnh; hạn chế người lạ vào vườn. Trước khi vào vườn phải rửa tay bằng xà phòng, đi qua hố nước vôi sát khuẩn.
- Thường xuyên thăm vườn, tiến hành vệ sinh, thu nhặt cành lá tiêu khô rơi vãi tập trung tiêu hủy. Cắt tỉa thân cành, tạo tán cây trụ choái sống, thu nhặt những cành khô, cành chết làm cho vườn tiêu thông thoáng, sạch sẽ.
- Chăm sóc cây tiêu sinh trưởng khỏe bằng cách bón cân đối các loại phân, tăng cường bón phân hữu cơ, phân bón lá chuyên dùng.
- Thiết kế hệ thống tưới tiêu hợp lý, bảo đảm thoát nước tốt trong mùa mưa, không để nước đọng trong gốc tiêu sau khi mưa.
Về vệ sinh vườn tiêu khi có dây, trụ tiêu bị chết
Khi phát hiện một số dây trong trụ tiêu bị chết:
- Nhổ bỏ toàn bộ thân, rễ cây tiêu bị chết, thu gom lá, cành rơi rụng tập trung đem tiêu hủy, rải vôi bột vào gốc và chung quanh hố, phun thuốc lên trụ tiêu có dây bị chết, vệ sinh vườn kỹ. Không làm rơi vãi cành, lá tiêu bị bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra những dây tiêu còn lại và các trụ tiêu chung quanh để có biện pháp phòng trừ tích cực, kịp thời (theo quy trình phòng trừ dịch hại của BVTV).
Khi phát hiện một số trụ tiêu bị chết:
- Nhổ bỏ toàn bộ thân, rễ cây tiêu, thu gom lá, cành rơi rụng tập trung đem tiêu hủy, rải vôi bột vào gốc và chung quanh hố, vệ sinh vườn kỹ. Không làm rơi vãi cành, lá tiêu bị bệnh.
- Cuốc đất xung quanh hố tiêu bị chết sâu 30 - 40 cm, đảo kỹ nhiều lần, thu gom thân, rễ còn sót lại tập trung đem đốt, vệ sinh các loại cây cỏ chung quanh, tỉa cành, tạo tán cây choái sống sao cho vườn cây thông thoáng.
- Phơi đất, kết hợp bón vôi bột toàn bộ diện tích để xử lý đất trừ mầm mống sâu, bệnh, tuyến trùng trong thời gian khoảng 1 năm.
- Đào hố mới và xử lý hố thật kỹ trước khi trồng lại (theo quy trình kỹ thuật trồng tiêu).
- Sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo tiêu chuẩn (theo quy trình kỹ thuật trồng tiêu).
Khi vườn tiêu có nhiều trụ tiêu bị chết:
Thực tế, hiện nay, có một số vườn tiêu đã xảy ra hiện tượng có nhiều trụ tiêu bị chết, nếu tiếp tục chăm sóc, khôi phục hiệu quả sẽ không cao, cần thiết phá bỏ, tiến hành theo các bước sau:
- Nhổ bỏ toàn bộ thân, rễ tiêu, thu gom lá, cành rơi rụng tập trung đem tiêu hủy (đào hố đốt hoặc chôn sâu có rải vôi). Rải vôi lên toàn bộ bề mặt vườn, vệ sinh vườn kỹ.
- Làm đất sạch cỏ dại, tiến hành cày sâu khoảng 30 - 40 cm, phơi ải 30 ngày, sau đó bừa 3 lần, thu gom thân, rễ, lá tiêu còn sót lại tập trung đem đốt, vệ sinh các loại cây cỏ chung quanh vườn hồ tiêu.
- Phơi đất, kết hợp bón vôi bột toàn bộ diện tích để xử lý đất, trừ mầm mống sâu, bệnh, tuyến trùng.
- Luân canh cây trồng ngắn ngày như bắp, các loại cây họ đậu từ 1-2 năm (tốt nhất là trồng luân canh cây họ đậu trong 2 năm).
- Có thể chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả hơn; Nếu tái canh tiêu cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật trồng tiêu.